Du học Phần Lan: Điều kiện và Chi phí du học 2024

22/04/2024 11:54
Hành trang sinh viên
Phần Lan được biết đến với nhiều điểm đặc biệt mà ít có nơi nào hội tụ: thời tiết lạnh giá, biệt danh “xứ sở ngàn hồ” và vùng đất Lapland - quê hương của ông già Noel. Vào năm 2023, Phần Lan được vinh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Hơn nữa, đây cũng là một đất nước tiên tiến, nơi bạn có thể tận hưởng nền giáo dục đại học mang đẳng cấp thế giới. Phần Lan không chỉ là điểm đến du học hàng đầu mà còn là nơi sở hữu một số trường đại học tốt nhất Châu Âu hiện nay.

Mục lục

Nhưng để có thể tận hưởng trọn vẹn những điều tốt đẹp ấy, bạn cần tìm hiểu rõ về nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm: chất lượng giáo dục, chi phí, điều kiện, visa du học và môi trường sống tại Phần Lan. Cùng StudentJob tìm hiểu những thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây để chuẩn bị cho cuộc hành trình du học Phần Lan một cách tốt nhất!

Hệ thống giáo dục tại Phần Lan

Hệ thống giáo dục tại Phần Lan

Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index - HDI) của Liên Hợp Quốc đã xếp giáo dục Phần Lan vào danh sách các hệ thống giáo dục thành công nhất trên thế giới. 

Hiến pháp Phần Lan quy định người dân có quyền được hưởng giáo dục. Mọi cư dân của đất nước này đều có cơ hội bình đẳng để có được một nền giáo dục. Hệ thống giáo dục Phần Lan đề cập đến mọi khía cạnh của quá trình bước vào tuổi trưởng thành, bao gồm học tập hiệu quả, tâm lý học tập và hạnh phúc tuổi thơ. 

Không chỉ quan tâm đến việc học tập của trẻ em, việc học tập của người lớn cũng rất phổ biến và được coi trọng. Các tổ chức khác nhau sắp xếp nhiều khóa học và chương trình học chính quy dành cho người lớn ở mọi cấp độ. Hoạt động này có thể thúc đẩy trình độ chuyên môn hoặc phát triển bản thân.

Năm 2021, 10,2% trong tổng chi tiêu công ở Phần Lan được sử dụng cho giáo dục. Còn trong năm 2017, hơn 27% người Phần Lan trưởng thành tham gia học tập, con số này lớn hơn khá nhiều so với mức trung bình của EU là 11%. Và phần lớn trong số này là giáo dục không chính quy.

Có hai loại cơ sở giáo dục đại học ở Phần Lan: trường đại học và trường đại học khoa học ứng dụng (UAS). Các chương trình tiến sĩ chỉ được cung cấp bởi các trường đại học. Có 13 trường đại học tại Phần Lan và đều thuộc sở hữu của nhà nước; mục tiêu trọng tâm của các trường đại học là nghiên cứu khoa học và cung cấp cho sinh viên một nền giáo dục mang tính chất thiên về lý thuyết nhiều hơn. 

Trong khi đó, các trường đại học khoa học ứng dụng cung cấp nền giáo dục thực tế hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Các trường đại học khoa học ứng dụng cấp bằng Cử nhân và Thạc sĩ.

Một số trường đại học nổi tiếng tại Phần Lan

Những trường đại học dưới đây là những cái tên hàng đầu trong việc cung cấp một môi trường học tập đa dạng và chất lượng cao cho sinh viên quốc tế muốn du học tại Phần Lan.

Đại học Helsinki (Helsinki University)

Helsinki University

Đại học Helsinki là cơ sở giáo dục hàn lâm lâu đời nhất và lớn nhất tại Phần Lan, nơi đây được coi là một cộng đồng khoa học quốc tế bao gồm 40.000 sinh viên và nhà nghiên cứu. 

Đại học Helsinki là một trong những trường đại học hàng đầu Châu Âu chuyên về lĩnh vực nghiên cứu. Đây là thành viên sáng lập của Liên đoàn các trường đại học nghiên cứu châu Âu, bao gồm các trường đại học như Oxford và Cambridge. Trường nổi tiếng thế giới về chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và đổi mới chất lượng cao.

Những năm gần đây, Đại học Helsinki luôn cố gắng tìm kiếm giải pháp cho những thách thức toàn cầu và tạo ra nhiều ý tưởng mới vì lợi ích của nhân loại.

Trong nhiều bảng xếp hạng đại học quốc tế, Đại học Helsinki thường nằm trong top 100 và top 50 trường đại học hàng đầu Châu Âu.

Xếp hạng Năm Xếp hạng (trên thế giới) Xếp hạng (ở Châu Âu)

Bảng xếp hạng học thuật của Đại học Giao thông Thượng Hải

2023 101 33

Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS

2024 115 43

Xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education

2024 121 48

Bảng đánh giá xếp hạng Đại học Helsinki

Đại học Aalto (Aalto University)

Aalto University

Đại học Aalto ra đời trong sự sáp nhập của ba trường đại học Phần Lan danh giá vào năm 2010, gồm trường Công nghệ Helsinki, Trường Kinh tế Helsinki, Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Helsinki. Mặc dù còn non trẻ nhưng lịch sử của Aalto thực sự bắt đầu từ năm 1849 - thời điểm thành lập Đại học Công nghệ Helsinki. 

Mục đích thành lập của Đại học Aalto là tạo ra một trường đại học sáng tạo, đổi mới, môi trường học thuật có sự kết hợp giữa khoa học và công nghệ, kinh doanh và kinh tế, thiết kế và nghệ thuật.

Đây là trường đại học đã góp phần củng cố nền tảng năng lực của Phần Lan và tạo điều kiện cho sự đổi mới, tăng trưởng kinh tế, việc làm cùng phúc lợi, trong hiện tại và cả tương lai.

Đại học Aalto là một trường đại học đa ngành có cơ sở chính đặt tại Otaniemi ở Espoo, Phần Lan. Đại học Aalto bao gồm sáu trường với khoảng 20.000 sinh viên và 4.500 nhân viên, trong đó có 400 người là giáo sư.

Các khóa học được cung cấp tại trường bao gồm: nghệ thuật, thiết kế và kiến ​​trúc; công nghệ hóa học; kinh doanh; kỹ thuật điện; kỹ thuật và khoa hoc.

Đại học Aalto nắm giữ ba Crown recognition - AACSB, AMBA và EQUIS. Crown recognition là giải thưởng danh giá chỉ được cấp bởi 1% các trường đại học trên toàn thế giới.

Đại học Đông Phần Lan (University of Eastern Finland - UEF)

University of Eastern Finland

Được thành lập vào năm 2010, Đại học Đông Phần Lan là sự kết hợp của hai trường đại học nổi tiếng là Đại học Joensuu và Đại học Kuopio. Đại học Đông Phần Lan chuyên cung cấp các bằng cấp chung về kinh tế, quản trị kinh doanh và gần đây hơn là về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Và cũng vào tháng 10 năm 2006, Bộ Giáo dục Phần Lan đã chọn mô hình hợp nhất giữa Đại học Joensuu và Đại học Kuopio là một trong những dự án mũi nhọn cấp quốc gia trong phát triển cơ cấu.

Là một trường đại học đa ngành, UEF bao gồm bốn khoa cấp bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong 13 lĩnh vực nghiên cứu bao gồm y học, tâm lý học, luật và kinh tế.

Mặc dù là một trong những trường đại học còn khá non trẻ thế nhưng UEF đã và đang phát triển vị thế quốc tế vững mạnh, đồng thời có mạng lưới đối tác toàn cầu rộng lớn, trường có khoảng 70 thỏa thuận song phương được ký kết với các trường đại học ở nước ngoài.

Số lượng sinh viên theo học tại Đại học Đông Phần Lan là khoảng 13.000 người. Nếu có cơ hội được học tập tại đây, bạn có thể được tham gia các chuyến đi vòng quanh Phần Lan do UEF tổ chức cho sinh viên. Bạn cũng có thể mong đợi được học tập trong một môi trường tiên tiến với cơ sở vật chất hiện đại mang tầm quốc tế. 

Chi phí du học Phần Lan

Chi phí du học tại Phần Lan có thể biến đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như trường học, loại chương trình học, địa điểm và chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày của sinh viên. Dưới đây là một số khoản chi phí cơ bản mà sinh viên cần phải tính toán khi du học tại Phần Lan:

Học phí du học Phần Lan

Học phí du học Phần Lan

Phần Lan là một trong những thiên đường dành cho du học sinh Châu Âu nói riêng và người dân Châu Âu nói chung, lý do là bởi các trường đại học công lập tại Phần Lan không thu học phí đối với sinh viên đến từ các nước EU/EEA hoặc Thụy Sĩ

Bắt đầu từ mùa thu năm 2017, các sinh viên không đến từ EU/EEA phải đóng học phí. Mức học phí thường dao động trong khoảng 4.000 – 18.000 EUR/năm tùy thuộc vào loại bằng cấp và trường đại học mà bạn chọn.

Ví dụ như Đại học Turku, học phí dành cho sinh viên không đến từ EU/EEA dao động trong khoảng từ 2.000 đến 12.000 EUR mỗi năm học:

  • Bằng khoa học xã hội: 8.000 –10.000 EUR/năm
  • Bằng Khoa học, Kỹ thuật và Y tế: 12.000 EUR/năm
  • Bằng Giáo dục, Nhân văn và Kinh tế: 10.000 EUR/năm

Các loại chi phí khác khi du học Phần Lan

Ở Phần Lan, bạn sẽ cần khoảng 700 – 900 EUR cho chi tiêu mỗi tháng, tùy thuộc vào khu vực bạn sống. Helsinki là thành phố đắt đỏ nhất, trong khi Laaperanta, Pori và Tampere được biết đến là những thành phố thiên đường cho sinh viên với mức giá cả phải chăng.

Chi tiêu trung bình bạn cần cho các thành phố lớn ở Phần Lan (bao gồm chi phí chỗ ở):

  • Helsinki : từ 980 đến 1.580 EUR/tháng 
  • Jyvaskyla : từ 700 đến 1.100 EUR/tháng
  • Oulu : từ 660 đến 1.000 EUR/tháng
  • Tampere : từ 870 đến 1.300 EUR/tháng

Các quốc gia Bắc Âu thường được coi là đắt đỏ hơn so với các điểm đến khác ở Châu Âu. Tuy nhiên, giấy phép cư trú sinh viên sẽ cho phép bạn làm việc tới 25 giờ mỗi tuần. Hầu hết các trường đại học Phần Lan đều cung cấp dịch vụ nghề nghiệp cho sinh viên quốc tế, trường đại học sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn trong quá trình tìm kiếm việc làm, cho dù là một công việc dành cho sinh viên hay một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp.

Chi phí chỗ ở tại Phần Lan

Có hai lựa chọn chỗ ở chính dành cho sinh viên quốc tế:

  • Nhà ở dành cho sinh viên. một phòng đơn trong nhà ở dành cho sinh viên có mức giá dao động từ 160 – 380 EUR/tháng. 
  • Thuê/ Ở ghép trong một căn hộ. giá thuê căn hộ đắt hơn, dao động trong khoảng 400 – 800 EUR/tháng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố (khoảng cách từ căn hộ đến trung tâm thành phố, độ lớn của thành phố). Ở chung căn hộ với sinh viên khác sẽ giúp bạn giảm chi phí và có cơ hội được làm quen, tương tác với những người khác.

Chi phí ăn uống tại Phần Lan

Chi phí thực phẩm sẽ có mức chênh lệch khác nhau giữa các thành phố, nhưng trung bình, mua hàng tạp hóa từ các siêu thị địa phương sẽ tiêu tốn của bạn khoảng 200 - 250 EUR/tháng. Một gợi ý nhỏ là bạn có thể tiết kiệm bằng cách mua sắm tại các siêu thị giảm giá như Lidl, Sale, Alepa và K-Market. Đặc biệt, bạn nên chọn mua sắm vào buổi tối, thời điểm nhiều mặt hàng giảm giá sâu.

Nếu bạn muốn đi ăn ngoài, một bữa ăn có giá khoảng 11 EUR tại một nhà hàng bình dân, trong khi bữa ăn đơn giản dành cho hai người tại một nhà hàng trung bình sẽ có giá khoảng 60 EUR.

Chi phí di chuyển tại Phần Lan

Hầu hết sinh viên đều lựa chọn phương tiện giao thông công cộng là hình thức di chuyển quanh thành phố. Vé giao thông công cộng cho sinh viên là từ 35 đến 50 EUR/tháng. Bạn cũng có thể thuê một chiếc ô tô, và chúng sẽ tiêu tốn của bạn khoảng 230 EUR trong 5 ngày.

Trong điều kiện bạn sống không quá xa trường đại học, và có sở thích đi dạo cùng tận hưởng không khí trong lành, bạn có thể đi bộ đến trường học. Đây cũng là cách giảm bớt một khoản chi phí cho hành trình du học.

Điều kiện du học tại Phần Lan

Để du học tại Phần Lan, sinh viên cần tuân thủ một số điều kiện cụ thể, bao gồm:

Điều kiện du học tại Phần Lan bậc đại học

Điều kiện du học tại Phần Lan bậc đại học

Để du học tại Phần Lan ở bậc đại học, sinh viên cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đang theo học lớp 12. Sinh viên cần có bằng tốt nghiệp PTTH hoặc đang theo học lớp 12 để có đủ yêu cầu về học vấn cho việc nhập học vào các trường đại học ở Phần Lan.
  • Trình độ tiếng Anh tốt. Mặc dù không yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL hay PTE, nhưng sinh viên cần có trình độ tiếng Anh đủ để có thể theo học và hiểu bài giảng tại các trường đại học ở Phần Lan.
  • Vượt qua các kỳ thi đầu vào hoặc nộp điểm SAT 1/SAT subject test. Sinh viên cần phải thi đậu các kỳ thi đầu vào do các trường đại học ở Phần Lan tổ chức, hoặc có thể nộp điểm SAT 1 hoặc SAT subject test để chứng minh trình độ học vấn cùng khả năng tiếng Anh của mình.

Những điều kiện trên giúp đảm bảo rằng sinh viên có đủ trình độ và khả năng để học tập cũng như thích nghi tốt với môi trường đại học ở Phần Lan.

Điều kiện du học tại Phần Lan bậc cao học

Để du học tại Phần Lan ở cấp độ cao hơn, như là bậc cao học, sinh viên cần phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể, bao gồm:

  • Tốt nghiệp Đại học cùng chuyên ngành. Sinh viên cần có bằng tốt nghiệp đại học trong cùng chuyên ngành mà họ muốn theo học ở cấp độ cao hơn.
  • Điểm trung bình tốt nghiệp. Sinh viên cần có điểm trung bình tốt nghiệp từ 7.0 trở lên để đáp ứng yêu cầu về học vấn.
  • Trình độ tiếng Anh. Sinh viên cần có chứng chỉ tiếng Anh như IELTS 6.5/7.0 hoặc TOEFL iBT 92 để chứng minh khả năng giao tiếp và học tập bằng tiếng Anh.
  • Điểm GMAT. Một số trường đại học nghiên cứu tại Phần Lan có thể yêu cầu sinh viên đạt điểm GMAT tối thiểu là 550 nhằm chứng minh khả năng hòa nhập trong môi trường học tập chuyên sâu và nghiên cứu.
  • Kinh nghiệm làm việc chuyên ngành. Đối với các trường đại học ứng dụng, sinh viên cần có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành tương ứng để đảm bảo bạn có đủ kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết cho chương trình học.

Visa du học Phần Lan

Để được cấp visa du học Phần Lan, bạn cần tuân thủ một số quy định và thủ tục sau:

Chuẩn bị hồ sơ Visa du học Phần Lan

Chuẩn bị hồ sơ Visa du học Phần Lan

Khi làm hồ sơ xin visa du học Phần Lan, bạn cần chuẩn bị kỹ các giấy tờ sau:

  • Tờ khai OLE-OPI. Điền đầy đủ thông tin trong tờ khai OLE-OPI bằng tiếng Anh và không để trống bất kỳ mục nào. Thiếu thông tin có thể làm chậm quá trình xin visa của bạn.
  • Thư mời nhập học. Bản in của thư mời nhập học từ trường đại học, được gửi qua email. Thư này là bằng chứng cho việc bạn đã được trường đại học chấp nhận và sẽ tham gia khóa học.
  • Chứng nhận bảo hiểm. Bản gốc chứng nhận bảo hiểm quốc tế với thông tin đầy đủ như mệnh giá đền bù, thời hạn hiệu lực. Mệnh giá đền bù ít nhất là 100.000 Euro nếu tham gia khóa học dưới hai năm và 40.000 Euro nếu trên hai năm.
  • Giấy tờ chứng minh tài chính. Bản gốc giấy chứng nhận số tiền gửi hoặc giấy chứng nhận học bổng từ cơ sở giáo dục. Số tiền yêu cầu là 560 Euro mỗi tháng, tương đương 6.720 Euro cho visa có hiệu lực 1 năm và 13.440 Euro cho visa có hiệu lực 2 năm.
  • Giấy bảo lãnh của cha mẹ. Đối với học sinh dưới 18 tuổi, cần giấy đồng ý của cả cha mẹ hoặc người giám hộ, được chứng thực và dịch công chứng.
  • Thư giới thiệu. Thư giới thiệu từ cơ sở trường học hiện tại, sử dụng trong việc xin giấy phép lưu trú du học.
  • Hộ chiếu. Mang theo hộ chiếu gốc khi đi phỏng vấn xin visa.
  • Các giấy tờ khác. Bao gồm phụ lục OLEL_PK và các giấy tờ chứng nhận quan trọng khác liên quan đến hồ sơ xin visa.

Các bước xin Visa du học Phần Lan

Để xin visa du học Phần Lan, bạn cần thực hiện các bước sau:

Chuẩn bị tài chính

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị tài chính để đảm bảo chi phí học phí và sinh hoạt phí trong suốt thời gian du học. Học phí tại Phần Lan thường dao động từ 4.000 đến 18.000 EUR mỗi năm, tùy thuộc vào ngôi trường bạn chọn. Ngoài ra, tiền sinh hoạt phí được quy định là khoảng 560 EUR mỗi tháng, nhưng có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân.

Tham gia phỏng vấn

Bạn cần tham gia phỏng vấn với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Phần Lan. Trong buổi phỏng vấn, hãy chuẩn bị tâm lý tốt và tập trước để trả lời các câu hỏi một cách tự tin và rõ ràng. Nếu có thể, hãy tìm hiểu kinh nghiệm từ những người đã từng trải qua quá trình xin visa du học Phần Lan để có cái nhìn tổng quan và chuẩn bị tốt nhất cho bản thân. Đồng thời, hãy đảm bảo đến đúng giờ và đúng địa điểm để tham gia phỏng vấn.

Môi trường sống ở Phần Lan

Môi trường sống ở Phần Lan

Năm 2023, Phần Lan đứng thứ 3 trong Chỉ số Chất lượng Cuộc sống Quốc tế. Được biết đến với những khu rừng rộng lớn, những hồ nước tuyệt đẹp, Phần Lan có rất nhiều điều tuyệt vời dành cho người nước ngoài trải nghiệm cùng tận hưởng.

Phần Lan trải qua nhiều loại thời tiết khác nhau, với nhiệt độ ôn hòa ấm áp vào mùa hè, đến mùa đông rất lạnh, nhiệt độ có thể giảm mạnh và thường xuyên có tuyết. Vào tháng 12 năm 2022, Helsinki có nhiệt độ trung bình -1,6 độ C, trong khi ở Sodankylä ở Lapland, nhiệt độ trung bình là -10,4 độ C.

Thời tiết ấm áp nhất có thể được tìm thấy ở phía nam, nơi chúng ta có thể tận hưởng ánh nắng mặt trời và tham gia vào các hoạt động dưới nước ở một hồ tự nhiên, chẳng hạn như Hồ Finnträsk hoặc Hồ Tuusula.

Phần Lan nổi tiếng với văn hóa xông hơi mà người nước ngoài có thể tận hưởng trong những ngày đông lạnh giá. Ngoài ra, nếu bạn đến thăm vùng Lapland, bạn có thể may mắn được nhìn thấy Cực quang, vẻ đẹp được thiên nhiên ưu ái thu hút hàng triệu du khách đến đất nước này mỗi năm.

Vị trí địa lý độc đáo của Phần Lan - ngay giữa Tây và Đông Âu, giáp Thụy Điển, Na Uy và Nga - đã ảnh hưởng lớn đến văn hóa của đất nước. Phần Lan ngày nay mang đến cho du khách sự kết hợp giữa truyền thống và xu hướng tiên tiến không giống bất kỳ nơi nào khác.

Phần Lan - Thông tin và số liệu nhanh

Thủ đô Helsinki
Ngôn ngữ Phần Lan, Thụy Điển
Dân số 5,5 triệu người
Diện tích 338.440 km2
Sinh viên quốc tế 20.273 (theo Thống kê Phần Lan năm 2018)
Năm học Tháng 9 - tháng 5
Tiền tệ Euro (€)
Mã gọi +358
Múi giờ EET (UTC+2)

Bảng thông tin và số liệu nhanh của đất nước Phần Lan

Thị trường việc làm Phần Lan tập trung vào công nghệ, giáo dục, y tế và kỹ thuật. Làm việc từ xa cũng đang trở nên dần phổ biến ở nước này trong những năm gần đây.

Văn hóa làm việc của Phần Lan coi trọng sự đúng giờ, cân bằng giữa công việc và cuộc sống để đem đến một môi trường làm việc linh hoạt, năng động.

Tiếng Phần Lan có cấu trúc ngữ pháp phức tạp và khá khác biệt so với tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ Latin khác. Do đó, việc làm quen và hiểu rõ cấu trúc ngôn ngữ đòi hỏi thời gian cùng nỗ lực từ phía người học. Ngôn ngữ bản địa đã và đang trở thành một thách thức lớn đối với nhiều du học sinh.

Kết luận

Trước khi bắt đầu cuộc hành trình du học tại Phần Lan, việc tìm hiểu và chuẩn bị cẩn thận kiến thức về chất lượng giáo dục, điều kiện, visa du học và môi trường sống tại Phần Lan là vô cùng quan trọng. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để bạn có thể tự tin hơn trong quá trình chuẩn bị trải nghiệm du học tại đất nước Bắc Âu này. Hãy tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ và học hỏi từ mỗi khoảnh khắc, vì du học không chỉ là việc học tập mà còn là cuộc phiêu lưu đáng nhớ trong cuộc đời. Chúc bạn thành công, hạnh phúc trên con đường du học của mình!

Bài viết liên quan

Du học Tây Ban Nha: Chi phí, Điều kiện và Lưu ý khi du học
Những trường đại học danh tiếng, lối sống thoải mái và đồ ăn ngon khiến Tây Ban Nha trở thành điểm đến du học đáng mơ ước dành cho sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2019, educations.com đã xếp hạng Tây Ban Nha là quốc gia đứng đầu trong danh sách 10 quốc gia du học hàng đầu ở Châu Âu.
Du học Philippines: Điều kiện, Chi phí và Điểm cần lưu ý
Ngay gần Việt Nam chúng ta, một đất nước Đông Nam Á gần gũi và quen thuộc, Philippines trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn để du khách cũng như sinh viên quốc tế đến học tập, khám phá.
Du học Ấn Độ: Chi phí, Điều kiện và Những điều cần lưu ý
Nhắc đến việc du học ở nước ngoài, chúng ta thường nghĩ đến hành trình học tập mới, cơ hội nghề nghiệp cùng sự phát triển cá nhân rộng mở. Đến với một quốc gia là một cơ hội trải nghiệm những đặc trưng riêng chỉ có tại đất nước đó.