Chuyện ăn uống của người Việt Nam có rất nhiều điều thú vị. Người Việt thường ăn bằng cả ngũ quan: thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác, thính giác. Đã ăn thì mắt phải nhìn thấy màu sắc món ăn, cách trình bày món ăn đẹp, răng phải trạm vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được, tai phải nghe được tiếng nhai thức ăn….và nhà hàng Cơm Việt đã hội tụ được những điều đó.
Là người nặng tình với văn hóa Việt, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cái chất và tinh thần của đất Hà Thành dường như đã ăn sâu vào con người của chị Trịnh Thu Hương. Từ khi mới lọt lòng mẹ, chị đã được nếm, được thưởng thức những tinh hoa ẩm thực Hà Nội. Và chính vì cái gốc rễ cội nguồn sâu lắng đó đã thôi thúc chị cần phải giới thiệu đến bạn bè gần xa. Cơm Việt ra đời cũng là sản phẩm từ sự tinh tế đó.
Cơm Việt được xây dựng theo phong cách hoài cổ và đã có 12 năm làm quen với khách Hà Thành. Nhà hàng cũng giản dị, không màu mè như chính người đã gây dựng nên nó. Thực khách đến Cơm Việt, thưởng thức hương vị ẩm thực Việt, lại luôn có cảm giác như được ăn cơm nhà, với hơi hướng hoài cổ một chút với cổng gỗ trạm khắc và tượng đá đặt hai bên.
Ban đầu là hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam chào đón khách từ cửa bước vào. Bước qua làn ranh mỏng manh là cổng chào của ngôi nhà, một thế giới cổ xưa, thanh tịnh khiến thực khách cảm thấy cần quên đi thế giới hiện đại, để trở về hoài niệm với những ngày xưa cũ. Một khung cảnh có non có nước, có hình có sắc, có thanh hòa quện tạo một sự ấm cúng, thân thiện. Một lối đi nhỏ, với hai bên là bàn ghế gỗ trạm khắc tinh xảo, với những tách trà ướp hương sen đậm chất Hà thành. Xung quanh là tranh ảnh giới thiệu về lịch sử nhà hàng. Đi tiếp vào là một khoảng không gian mát mắt được tạo bởi cành tre, giỏ cây giỏ hoa, lồng chim vắt vẻo đu đưa trên cao, dưới chân là hồ cá trong veo được ngăn bởi một lớp kính, cộng thêm tấm gương lớn hai bên lối đi tạo cảm giác không gian đa chiều hư hư thực thực.