Gen Z là gì? Điểm khác biệt của Gen Z so với Gen X, Gen Y
Phát triển bản thân
Mục lục
Vậy đâu mới là sự thật về Gen Z, bạn đã hiểu rõ về thế hệ này hay chưa? Liệu bạn đang có những cái nhìn phiến diện về thế hệ trẻ hay không? Trong bài viết này, cùng StudentJob tìm hiểu Gen Z là gì? Những điểm khác biệt của Gen Z so với các thế hệ khác cùng nhiều khía cạnh thú vị khác.
Gen Z là gì?
Thế hệ Gen Z được định nghĩa là những người sinh sau năm 1997 đến năm 2012. Đây là thế hệ tiếp theo sau thế hệ Millennials (Gen Y). Gen Z được xem là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên trong thời kỳ bùng nổ của kỹ thuật số và Internet, vì vậy họ sở hữu khả năng sáng tạo, đa nhiệm và đặc biệt là tìm kiếm cùng sử dụng thông tin một cách linh hoạt, hiệu quả.
Việc Gen Z lớn lên và tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật số từ khi còn nhỏ gây ra sức ảnh hưởng lớn đến cách họ tương tác với thế giới, từ việc tiêu thụ thông tin đến cách họ giao tiếp, làm việc.
Gen Z là một thế hệ tự tin, tự lập, có ý thức cao về các vấn đề xã hội và môi trường. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ thế hệ nào khác, Gen Z cũng mang trong mình những nhược điểm cần thay đổi, cải thiện. Đây là vấn đề sẽ được StudentJob phân tích trong phần sau.
Cách suy nghĩ và những quan điểm cá nhân của Gen Z khác gì so với các thế hệ khác?
Gen Z có những cách suy nghĩ và quan điểm cá nhân khác biệt so với các thế hệ trước. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự tác động đến từ nhiều yếu tố khác nhau đã ảnh hưởng đến việc hình thành các quan điểm của họ.
Những quan điểm của Gen Z trong công việc khác gì so với những thế hệ trước?
Thế hệ trẻ gen Z thường là những bạn sinh viên, sinh viên mới ra trường hoặc đã đi làm được vài năm. Những bạn trẻ được đánh giá là đầy năng động, sáng tạo.
Gen Z coi trọng sự linh hoạt trong công việc hơn các thế hệ trước. Họ mong muốn có thể tự do sắp xếp thời gian làm việc, địa điểm làm việc và cách thức hoàn thành công việc. Họ thường tìm kiếm các công việc linh hoạt về thời gian làm việc và cho phép làm việc từ xa để có thể tận dụng thời gian cho sở thích và gia đình.
Ngoài ra, gen Z có thể nhận việc ở nhiều công ty để kiếm thêm thu nhập, vì vậy nhiều bạn trẻ không tránh khỏi áp lực từ công việc dẫn đến chất lượng cuộc sống, giấc ngủ, bữa ăn bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân của việc đảm nhận nhiều công việc một lúc bắt nguồn từ việc Gen Z phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, chẳng hạn như nợ nần học tập, chi phí sinh hoạt cao. Việc này dẫn đến nhiều khái niệm trở nên phổ biến hơn như tự do tài chính, an toàn tài chính, thậm chí là “một thế hệ không thể mua được nhà”.
Gen Z ít gắn kết với công ty hơn các thế hệ trước. Họ sẵn sàng thay đổi công việc nếu cảm thấy không phù hợp hoặc không đáp ứng được mong muốn của mình. Trung bình, một bạn trẻ Gen Z sẽ gắn bó với một công ty 1,7 năm, thấp hơn so với các thế hệ trước là 3,2 năm (Gen Y) và 4,3 năm (Gen X).
Quan điểm về đời sống cá nhân của Gen Z
Gen Z tự chủ và tự quyết định trong cuộc sống cá nhân. Họ mong muốn tự do lựa chọn lối sống, công việc để theo đuổi đam mê của mình. Gen Z đang dần tháo bỏ sự gò bó bởi những quy tắc hay định kiến xã hội truyền thống.
Thế hệ Gen Z có xu hướng tự do hơn trong những quyết định về bản thân, đặc biệt là trong việc lập gia đình. Khác với các thế hệ trước đó, Gen Z đến với hôn nhân với cái nhìn thận trọng và cân nhắc. Người trẻ ở khu vực thành thị thường kết hôn ở độ tuổi trung bình là 28,6, trong khi ở nông thôn, độ tuổi này là 26,3. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến độ tuổi kết hôn ngày càng cao. Sự phổ biến về vấn đề thành công sớm, chi phí đắt đỏ cộng thêm áp lực cuộc sống khi gánh vác thêm gia đình là những lý do phổ biến nhất.
Gen Z có gì đặc biệt?
Gen Z là một thế hệ đóng góp tích cực vào xã hội và thường được xem là nguồn sức mạnh mạnh mẽ cho sự phát triển.
Ngôn ngữ đặc biệt của Gen Z
Ngôn ngữ của thế hệ Z lan truyền mạnh mẽ thông qua sức mạnh đến từ truyền thông và mạng xã hội. Những “ngôn ngữ” này không mang yếu tố lãng quên nét đẹp của Tiếng Việt mà chỉ là sự sáng tạo đầy hài hước đến từ các bạn trẻ. Một số ví dụ về ngôn ngữ Gen Z phổ biến:
"Chằm Zn" (Trầm Kẽm) - Cảm xúc bất lực, buồn bã, bực dọc.
"Khum" - Từ chối một cách nhẹ nhàng, lịch sự.
"Sin lũi" - Biểu thị sự hối lỗi, ăn năn.
"Chúa hề" - Dùng để khen ai đó hài hước, vui nhộn.
"U là trời" - Biểu thị sự ngạc nhiên, thán phục.
"Ét o ét" - Cầu cứu, báo hiệu cần sự chú ý trong những tình huống hài hước.
"Get gô" - Dùng để thể hiện sự đồng tình, ủng hộ.
"Ô dề" - Dùng để nói về sự thái quá, lố bịch.
Gen Z không ngừng sáng tạo từ mới để thể hiện những ý tưởng và cảm xúc độc đáo.
Ngoài từ ngữ, meme và emoji cũng là các công cụ giao tiếp phổ biến của Gen Z, giúp họ thể hiện cảm xúc, ý tưởng và tạo sự hài hước trong các cuộc trò chuyện.
Gen Z sở hữu khả năng sáng tạo đa dạng
Gen Z là thế hệ đi sau và được thừa hưởng rất nhiều tinh hoa kiến thức của thế hệ trước. Hơn nữa, Gen Z được sinh ra trong thời kỳ hiếm có những cuộc chiến tranh nảy lửa giữa các quốc gia với nhau, thay vào đó là sự giao thoa văn hoá rất mạnh mẽ giữa Phương Đông và Phương Tây. Nên hiển nhiên cách nhìn nhận vấn đề của họ sẽ không hoàn toàn thiên về truyền thống hay hoàn toàn khác lạ so với các thế hệ.
Gen Z là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong một môi trường kỹ thuật số. Internet, điện thoại di động, và các nền tảng truyền thông xã hội là phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Gen Z được coi là thế hệ "digital native" với khả năng sử dụng công nghệ một cách tự nhiên, thành thạo. Họ tận dụng các thiết bị di động và các ứng dụng kỹ thuật số để tạo ra nội dung sáng tạo hàng ngày.
Gen Z không ngại sự thay đổi
Gen Z đã trải qua nhiều biến động xã hội và kinh tế, bao gồm khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, và dịch bệnh COVID-19. Những trải nghiệm này đã làm cho họ quen thuộc với sự không chắc chắn để thích ứng nhanh chóng với các tình hình mới.
Gen Z được khuyến khích phát triển tinh thần đổi mới và sáng tạo từ sớm. Người trẻ tìm kiếm cách tiếp cận vấn đề từ góc độ mới mẻ và không sợ thay đổi để tạo ra những giải pháp mới.
Nhược điểm của Gen Z là gì?
Các bạn GenZ được sinh ra trong một thời đại dễ dàng tiếp cận với nhiều tiện ích cùng với chất lượng sống cao hơn các thế hệ trước. Vì vậy trọng trách đưa đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” được trao cho Gen Z. Việc hiểu những nhược điểm sẽ giúp Gen Z thấy rõ những khía cạnh mình cần cải thiện, đáp ứng những kỳ vọng mà bản thân cũng như xã hội mong đợi.
Thiếu kỹ năng giao tiếp trực tiếp
Mặc dù Gen Z rất thông thạo với công nghệ, nhưng việc này cũng dẫn đến hậu quả thế hệ trẻ trở nên quá phụ thuộc vào nó. Việc quá quen thuộc với cách giao tiếp qua mạng xã hội gây ra tình trạng nhiều bạn Gen Z gặp khó khăn khi giao tiếp trực tiếp, diễn đạt ý tưởng hoặc tham gia các hoạt động tập thể.
Hội chứng sợ nghe điện thoại trở nên phổ biến hơn. Những cuộc gọi từ số lạ tạo ra lo lắng, xấu hổ và căng thẳng. Một số bạn trẻ có cách giải quyết là chờ hết chuông để nhắn tin, hoặc chờ đến cuộc gọi thứ hai mới nhấc máy.
Dễ bị phân tâm
Gen Z lớn lên cùng công nghệ, do đó họ dễ bị xao nhãng bởi thông báo từ điện thoại, mạng xã hội - những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tập trung và hoàn thành công việc.
Việc sử dụng mạng xã hội để giải trí có thể thúc đẩy não bộ sản xuất ra Dopamine - một Hormone hạnh phúc nhưng có thể gây nghiện. Liệu bạn có nhận ra khi bạn xem video, đọc thông tin thú vị tưởng chừng như chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng thực ra là một quãng thời gian dài và không để lại cho bạn nhiều giá trị. Mạng xã hội có thể gây ra sự sao nhãng, mất tập trung không chỉ Gen Z mà là tất cả mọi người.
Ngoài ra Gen Z thường được truyền thông bằng cách tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh khác nhau, từ mạng xã hội, phương tiện truyền thống cho đến các nền tảng trực tuyến khác. Nguồn thông tin đa dạng khó có thể tìm ra đâu mới là thông tin đáng tin cậy và đáng được lưu tâm, dẫn đến sự sao nhãng không cần thiết.
Theo thống kê hiện nay, TikTok có 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam, chiếm hơn một nửa dân số. Con số này của Facebook là 72,70 triệu.
Bạn có tự hỏi số thời gian mình dành cho mạng xã hội không?
Con số có thể lớn hơn bạn nghĩ, trung bình một ngày người Việt sử dụng điện thoại là 5,5 giờ 1 ngày, trong đó gần 50% thời gian cho các ứng dụng như Facebook, TikTok, và Zalo.
Thiếu kinh nghiệm thực tế
Do tuổi đời còn trẻ, Gen Z có thể thiếu kinh nghiệm thực tế trong công việc và các vấn đề xã hội, dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề.
Sự tiếp cận dễ dàng đến thông tin trên Internet ngoài việc gây ra sự sao nhãng còn có thể khiến một số Gen Z dễ tin vào tin đồn hoặc thông tin không chính xác.
Tuổi đời còn trẻ nên Gen Z thường không có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lao động so với các thế hệ trước đó. Môi trường kinh doanh ngày nay có thể đòi hỏi một mức độ kinh nghiệm hoặc kiến thức cụ thể mà Gen Z có thể chưa có, gây ra một số khó khăn nhất định trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Một vấn đề khác cần được đề cập đến là hệ thống giáo dục truyền thống có thể không cung cấp đủ kinh nghiệm thực tế cho Gen Z. Mặc dù có thể có kiến thức lý thuyết, nhưng họ thiếu kinh nghiệm thực hành và kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian.
Thiếu kiên nhẫn
Gen Z đã lớn lên trong một thế giới nơi mọi thứ có thể được truy cập ngay lập tức thông qua Internet và các thiết bị di động. Vì vậy, họ đặt ra sự kỳ vọng về những kết quả ngay lập tức và không kiên nhẫn với những kết quả không đạt được trong thời gian ngắn.
Mạng xã hội có thể tạo ra một áp lực vô hình về việc đạt được thành công khi còn trẻ hoặc trong một khoảng thời gian ngắn. Không tránh khỏi việc các bạn trẻ tự so sánh bản thân với bạn bè đồng trang lứa trên mạng xã hội. Áp lực có thể tạo nên kim cương thế nhưng cũng có thể đẩy bạn trẻ vào ngõ cụt tự ti, sợ hãi.
Tuy nhiên cuộc sống còn kéo dài đến khi chúng ta già nua. Miễn là khao khát của bạn còn cháy bỏng thì thành công ở tuổi bao nhiêu cũng không quan trọng. Ông chủ KFC nổi tiếng toàn thế giới khởi nghiệp ở tuổi 65 đã trở thành huyền thoại qua logo ông già cười rạng rỡ mà chúng ta đều biết đó thôi.
Sau Gen Z là Gen gì?
Thế hệ tiếp theo sau Gen Z được gọi là Generation Alpha. Gen Alpha là những người sinh từ năm 2010 đến năm 2024, và họ sẽ trở thành những người lãnh đạo, người ảnh hưởng trong tương lai khi tiếp tục phát triển và tiếp nhận công nghệ mới. Gen Alpha được dự đoán sẽ phát triển trong một thế giới kỹ thuật số hơn bao giờ hết, và họ có tiềm năng mang lại những thay đổi to lớn trong xã hội, kinh tế, văn hóa.
Generation Alpha là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21 và thiên niên kỷ 3. Đa số họ là con cái của thế hệ Millennials (Gen Y). Hiện tại, Gen Alpha còn khá nhỏ, do đó vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ về đặc điểm và tiềm năng của họ. Tuy nhiên, với những điều kiện thuận lợi về môi trường sống cũng như giáo dục, Gen Alpha được kỳ vọng sẽ là thế hệ tạo ra nhiều thay đổi tích cực cho xã hội trong tương lai.
Kết Luận
Chúng ta cần nhìn nhận Gen Z trong bối cảnh của những thay đổi về công nghệ, xã hội và văn hóa. Việc so sánh họ với các thế hệ trước có thể không hoàn toàn phù hợp do những khác biệt trong môi trường sống và trải nghiệm.
Thay vì tập trung vào nhược điểm, chúng ta nên nhìn nhận Gen Z như một thế hệ trẻ đầy tiềm năng với những tư duy mới mẻ, sáng tạo cùng khả năng thích nghi cao. Việc hỗ trợ họ phát huy điểm mạnh và khắc phục nhược điểm sẽ góp phần tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho cả Gen Z và cả xã hội.