Làm sao để đối mặt với Khủng hoảng sau tốt nghiệp

05/09/2023 11:00
Hành trang sinh viên
Sau tốt nghiệp đại học, đa số sinh viên khó tránh khỏi những khủng hoảng trong việc thích nghi với cuộc sống mới và cũng nhiều bạn đã phải đối diện với trầm cảm. Những áp lực này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau và đa phần ai cũng sẽ gặp phải. Vậy Khủng hoảng sau tốt nghiệp là gì, có biểu hiện như thế nào và làm sao để vượt qua chúng? Hãy cùng StudentJob đi tìm hiểu bài viết sau đây.

Mục lục

Khủng hoảng sau tốt nghiệp là gì?

Tấm bằng Đại học là thành tựu mà bất kỳ sinh viên nào cũng đều ao ước chạm tới sau 12 năm đèn sách cùng 4 năm ròng rã học đại học. Khoảnh khắc tốt nghiệp Đại học đánh dấu một cột mốc lớn và đem lại những thay đổi rỗ rệt trong cuộc đời của mỗi người.

Chính tại đây, khủng hoảng sau tốt nghiệp đại học là vấn đề mà gần như bất cứ tân cử nhân nào cũng đều phải đối diện. Những khủng hoảng này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và trạng thái cảm xúc của mỗi người, xuất phát từ những lo âu trong những vấn đề mà một người mới tốt nghiệp ra trường sẽ phải đối mặt. Có thể kể đến như khó khăn trong hành trình tìm việc làm, áp lực trong việc tự chủ về tài chính, những mối lo lắng về tương lai sự nghiệp, v.v.

Những mối lo âu này tưởng chừng như rất bình thường nhưng chúng lại đặc biệt nghiêm trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Khi các bạn trẻ được tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin và luôn bị đặt nặng vấn đề phải thành công ngay từ sớm trong khi thị trường việc làm thực tế ngày càng cạnh tranh và việc kiếm tiền vẫn không hề đơn giản.

khủng hoảng sau tốt nghiệp là gì

Kết hợp từ tất cả những yếu tố trên, chúng ta nhận thấy rằng khủng hoảng sau khi tốt nghiệp đại học là một vấn đề gây nhiều tổn hại về tinh thần cho các tân cử nhân. Đôi khi, chúng là nguyên nhân dẫn tới thực trạng bệnh trầm cảm ở người trẻ ngày càng tăng như hiện nay.

Vậy những nguyên nhân dẫn đến những khủng hoảng sau tốt nghiệp Đại học là gì?

1. Nỗi sợ hãi tương lai.

Phần đông những tân cử nhân sau khi tốt nghiệp ra trường bị những điều sắp xảy đến trong tương lai làm cho có cảm giác lo âu và sợ hãi tạo ra khủng hoảng sau tốt nghiệp. Tốt nghiệp Đại học đồng nghĩa với cuộc sống của bạn sau đó sẽ do chính bản thân bạn điều khiển và không còn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Điều này khiến những bạn trẻ có cảm giác hoang mang với chính cuộc sống của mình và phải luôn tự đặt câu hỏi "Cuộc đời mình sẽ đi về đâu đây?"

Đây là một hiện tượng phổ biến nhất mà gần như bất cứ ai sau khi tốt nghiệp đại học cũng đều phải trải qua. Chúng ta thấy sợ khi nghĩ về tương lai, sợ những điều sắp xảy đến với mình, sợ những vấn đề mình sẽ phải trải qua cũng như kế hoạch cho hành trình trưởng thành của bản thân. Hậu quả là bạn sẽ càng ngày càng cảm thấy tự ti, thu mình lại thay vì tiếp tục phát triển như bạn đã từng kỳ vọng.

2. Khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

khủng hoảng sau tốt nghiệp: khó khăn trong tìm việc làm

Sở hữu tấm bằng Đại học trên tay đồng nghĩa với việc bạn đã chính thức kết thúc hành trình của một sinh viên Đại học. Nhiều bạn vẫn sẽ có những kế hoạch học tập phát triển lên cao, nhưng phần đông chúng ta sau khi tốt nghiệp đại học sẽ ngay lập tức đi tìm việc làm. Những khủng hoảng sau khi tốt nghiệp đại học cũng bắt đầu từ đây.

Một số người sẽ may mắn tìm được việc ngay sau khi tốt nghiệp, một số do có sự chuẩn bị ngay từ khi học đại học như làm part time hoặc đi thực tập nên đã đảm nhiệm công việc với mức lương rất tốt khi ra trường. Tuy nhiên, vấn đề mà phần đông tân cử nhân sẽ phải đối mặt sau khi tốt nghiệp đó là chật vật ở trong thị trường việc làm trong một khoảng thời gian khá dài.

Thực tế này ngay lập tức sẽ đem đến cho bạn cảm giác thất vọng tràn trề. Sự mơ mộng về một công việc ổn định cùng mức lương cao lúc này hoàn toàn thay bằng thực tế thiếu thốn kinh nghiệm làm việc và bạn sẽ phải bắt đầu từ một mức lương rất thấp, khiến cho bạn có cảm giác nghi ngờ chính mình, trầm cảm và tuyệt vọng.

3. Phải thích ứng với thị trường lao động.

Sau khi đối mặt với những khó khăn trong việc tìm việc làm, những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường sẽ lại phải đối diện với những khủng hoảng sau tốt nghiệp của việc thích ứng với thị trường lao động.

Đối với con người, bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều có thể gây ra những mối âu lo nghiêm trọng, việc đi làm cũng vậy. Quá trình chuyển đổi từ việc đang là một sinh viên sang thành một người lao động trưởng thành có thể khiến cho nhiều bạn cảm thấy khó thích nghi.

Không còn được thoải mái về thời gian như khi còn là sinh viên, một người lao động trưởng thành với một công việc full time sẽ phải làm việc theo quy định 8 tiếng/ngày và rất khó để có những cuộc hẹn hò vào lúc 10 giờ sáng hay 3 giờ chiều. Sự thay đổi này đôi khi sẽ khiến nhiều bạn cảm thấy tiếc nuối và chán nản nhưng lại không có sự lựa chọn nào khác.

Không chỉ thay đổi về thời gian, cuộc sống của một người lao động trưởng thành còn buộc bạn phải thích nghi với những kỹ năng quan trọng, môi trường và con người hoàn toàn mới. Đôi lúc bạn sẽ gặp phải những tình huống khá éo le khiến mình bị kiệt sức, nhưng sự thay đổi nào cũng cần có quá trình để thích nghi thì mới có thể làm tốt được lâu dài.

4. Các mối lo về tài chính.

khủng hoảng sau tốt nghiệp: khó khăn trong vấn đề tài chính

Khi còn là sinh viên, bạn sẽ không cần quá để tâm đến những vấn đề tài chính, những khoản trợ cấp từ gia đình giúp bạn đủ để chi trả cho hoạt động ăn uống sinh hoạt hàng tháng. Tuy nhiên, tốt nghiệp ra trường đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tự kiếm công việc phục vụ cuộc sống cá nhân của riêng mình, những khoản trợ cấp sẽ được thay bằng chính tiền lương bạn nhận được từ công sức lao động hàng ngày.

Đối mặt với những thay đổi đó, không phải sinh viên nào cũng có đủ may mắn và năng lực để ngay lập tức có một nguồn thu nhập tốt trang trải cho cuộc sống. Đa phần, các bạn sẽ bắt đầu với công việc làm thực tập sinh hoặc vị trí fresher với một mức lương khá "bèo" và khó khăn trong việc chi tiêu ăn uống. Đây là một điển hình của vấn đề khủng hoảng sau tốt nghiệp đại học rất nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt và tạo nên những áp lực không nhỏ.

5. Áp lực đồng trang lứa.

khủng hoảng sau tốt nghiệp: áp lực đồng trang lứa

Một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng sau tốt nghiệp đại học hiện nay đang được nhắc đến rất nhiều đó là Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure). Đây là một hiện trạng khá phổ biến với những bạn trẻ đặc biệt là sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp thông tin những người bạn mới ra trường nhưng đã có được công việc lương 8 chữ số, những người bạn nói được nhiều thứ tiếng, tham gia nhiều câu lạc bộ, cuộc thi và đạt được những thành tích vượt trội. Áp lực đồng trang lứa cũng được bắt nguồn từ đây.

Áp lực từ đồng trang lứa có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân, khám phá sở thích mới và giúp bạn tiến bộ hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thể mang tính tiêu cực theo chiều hướng khiến bạn ngày càng cảm thấy tự ti và nhỏ bé trước những câu chuyện của những người tài giỏi xung quanh mình. Nếu sự tiêu cực này ngày càng tăng cao, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi và mất toàn bộ động lực, phương hướng của cuộc sống.

Triệu chứng của người bị khủng hoảng sau tốt nghiệp.

Những khủng hoảng sau tốt nghiệp gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của những tân cử nhân. Hãy lưu ý đến những triệu chứng sau đây báo hiệu cho bệnh trầm cảm mà bạn không nên lơ là để bảo vệ sức khỏe bản thân mình.

  • Luôn cảm thấy buồn và lo âu.
  • Cảm thấy bản thân không có nhiều giá trị.
  • Không còn cảm thấy hứng thú với cuộc sống.
  • Dễ cáu gắt, nổi nóng.
  • Bị rối loạn giấc ngủ, không thể ngủ vào ban đêm và luôn muốn ngủ vào ban ngày.
  • Thiếu năng lượng làm việc.
  • Chán ăn, không có cảm hứng ăn uống.
  • Khó tập trung.
  • Luôn có suy nghĩ muốn làm tổn thương chính mình.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong những điều liệt kê trên, chắc hẳn bạn đang bị khủng hoảng sau tốt nghiệp ở mức nghiêm trọng và cảnh báo cho việc bị trầm cảm. Lúc này, hãy liên hệ với các cơ sở y tế hay tham gia các buổi trị liệu tâm lý hay tìm bất cứ ai có thể giúp bạn vượt qua khoảng thời gian khó khăn này. Tránh để lâu dẫn đến những hậu quả xấu khó lường.

Cách đối phó với những khủng hoảng sau tốt nghiệp đại học.

Chẳng ai muốn chịu những ảnh hưởng từ những khủng hoảng sau tốt nghiệp và nhìn nhận bản thân ngày càng thụt lùi trong cuộc sống. Vậy làm sao để khắc phục hay đối phó với những khủng hoảng sau tốt nghiệp đại học? Cùng tham khảo những cách StudentJob gợi ý sau.

Cách đối phó với khủng hoảng sau đại hoc

1. Nhớ rằng bạn không cô đơn.

Khủng hoảng sau tốt nghiệp là một hiện tượng rất phổ biến và đa phần ai cũng sẽ gặp phải những khủng hoảng từ những nguyên nhân trên. Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy bản thân quá tiêu cực hãy tự nói với bản thân rằng bạn không cô đơn trong việc đối mặt với những cảm xúc này. Rất nhiều người bạn ngoài kia cũng đang phải đối mặt với những vấn đề giống bạn, hãy kết nối với họ, học cách làm quen với người lạ và cùng nhau giải những áp lực đè nén bấy lâu nay.

2. Tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đừng ngần ngại chia sẻ những áp lực sau tốt nghiệp của bạn với gia đình hay bạn bè. Biết đâu bằng cách nói ra những tâm tư của mình, những người thân có thể giúp bạn một phần nào đó trong những khó khăn bạn gặp phải. Nếu công việc mới ra trường chưa đủ khả năng chi trả cho cuộc sống hiện tại, hãy ngỏ lời với bố mẹ về một khoản trợ cấp nhỏ cho đến khi công việc tốt hơn. Nếu công việc khiến cho bạn cảm thấy kiệt sức, hãy hẹn bạn bè và tâm sự với họ, từng bước một tháo gỡ những rắc rối ở trong tâm trí của chính bạn.

3. Không so sánh bản thân với người khác.

Mỗi người có một cuộc sống và những hành trình riêng biệt. Việc so sánh bản thân mình với người khác khiến cho bạn không còn được là chính mình, không theo đuổi những mục tiêu mình muốn và phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của áp lực đồng trang lứa. Vì thế, hãy tập trung vào bản thân và chính con người mình, so sánh với chính mình của ngày hôm qua và đánh giá sự tiến bộ tốt hơn mỗi ngày.

Cách đối phó với khủng hoảng sau đại hoc: không so sánh

4. Chăm sóc sức khỏe bản thân.

Những khủng hoảng sau tốt nghiệp dù xảy đến trong khoảng thời gian ngắn hay dài cũng đều để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và chán nản, dễ bị mất sức và không có hứng thú làm việc với ngay những công việc cơ bản. Hãy bắt đầu từ việc cải thiện chế độ ăn hàng ngày, bổ sung nhiều rau xanh và chất sơ. Tiếp đó, hãy tập thể dục thể thao thường xuyên và vận động nhiều hơn. Việc tập thể dục thể thao là một cách rất hữu hiệu trong việc cải thiện tâm trạng và cảm xúc của con người và giúp bạn giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực.

5. Tham khảo ý kiến từ những chuyên gia.

Cuối cùng, nếu tình trạng tiêu cực vì khủng hoảng sau đại học của bạn không được khá lên, hãy đi tham vấn ý kiến của những chuyên gia để tìm ra giải pháp cho bản thân. Bạn có thể thăm khám tại các phòng khám sức khỏe tâm lý, tham khảo lời khuyên của những người thành công hay anh chị đi trước đã từng trải qua những áp lực tương tự. Tóm lại, nếu không thể tự vượt qua, hãy đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác và sớm kéo bản thân ra khỏi những tiêu cực bủa vây càng sớm càng tốt. 

Lời kết.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng cảm giác trầm cảm sau khi tốt nghiệp là điều phổ biến và hợp lý. Nhiều người mới tốt nghiệp thấy cuộc sống sau đại học khó khăn hơn họ tưởng. Tuy nhiên, có rất nhiều nguồn lực và dịch vụ để giúp bạn đối phó với những cảm xúc này. Mong rằng với những biện pháp StudentJob gợi ý, bạn có thể ứng dụng và tìm cho mình cách thoát ra khỏi những khủng hoảng sau tốt nghiệp và tiếp tục phấn đấu cho cuộc sống cá nhân. Chúc bạn thành công!

Bài viết liên quan

Du học Na Uy: Chi phí, Điều kiện, Visa và Môi trường sống
Na Uy đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Quốc gia Bắc Âu này không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn sở hữu những thành tựu vượt trội trong giáo dục và nghiên cứu.
Du học Iceland: Visa, Chi phí & Môi trường sống
Iceland, với vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và nền văn hóa độc đáo, không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là một lựa chọn thú vị cho các sinh viên quốc tế. Hệ thống giáo dục tiên tiến, các trường đại học danh tiếng, cùng với môi trường sống an toàn và thân thiện, Iceland đang trở thành một điểm đến du học đầy hứa hẹn.
Du học Ba Lan: Chi phí, Visa, Học bổng & Điều kiện du học
Du học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, mở ra vô vàn cơ hội và trải nghiệm mới. Ba Lan, với nền giáo dục chất lượng, chi phí sinh hoạt hợp lý, và môi trường sống an toàn, đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, trước khi quyết định đặt chân đến đất nước này, có một số điều quan trọng bạn cần nắm rõ để chuẩn bị cho mình một hành trình học tập thành công và suôn sẻ.