[CẢNH BÁO] Lừa đảo tuyển dụng CTV duyệt đơn Shopee

07/12/2023 17:34
Hành trang sinh viên
Cảnh giác lừa đảo bằng cách tuyển dụng duyệt đơn Shopee. Các chiêu trò lừa đảo lợi dụng lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản xuất hiện ngày càng nhiều với các thủ đoạn phức tạp, tinh vi. Những ví dụ về lời mời chào công việc làm tại nhà với mức lương cao đã trở nên phổ biến. Đó là trò lừa đội mác công việc đánh máy, chốt đơn tại nhà… có thể làm trong thời gian rảnh và được hưởng những mức lương “trên trời”.

Mục lục

Hiện nay, ngoài cách rải thông tin “rác” về việc làm trên khắp trang mạng, các đối tượng còn xây dựng thêm nhiều cách thức khác nhằm tiếp cận những cá nhân vốn không có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Có thể hiểu đó là một cách thức mới giúp các đối tượng mở rộng tệp nạn nhân, tìm kiếm các “con mồi” sa bẫy.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa đến bạn đọc một trong những cách lừa đảo nổi cộm nhất hiện nay đó là lừa đảo tuyển dụng CTV duyệt đơn hàng Shopee.

Cảnh giác hành vi lừa đảo tuyển dụng duyệt đơn Shopee

Những bước đầu công cuộc lừa đảo duyệt đơn Shopee

Đầu tiên, hãy cùng StudentJob tìm hiểu những đối tượng tự nhận mình là nhân viên Shopee thực hiện những hành động đáng ngờ nào để tạo vỏ bọc nhằm đánh lừa những người chưa có kinh nghiệm như thế nào nhé.

Giả mạo Shopee để lừa đảo tuyển dụng

Giả mạo Shopee để tuyển dụng

Shopee là kênh thương mại điện tử lớn, chiếm thị phần cao và có sức cạnh tranh cùng độ phủ sóng rộng rãi nhất hiện nay. Lợi dụng uy tín từ công ty, nhiều thành phần mạo danh nhân viên, tự xưng những chức vụ cao như quản lý, leader đang tìm kiếm ứng viên. Họ xuất hiện dày đặc, lan tràn trên khắp các kênh, hội nhóm tìm kiếm việc làm với lời mời gọi tuyển chọn dễ dàng, không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm. 

Trên thực tế, quá trình để trở thành một nhân viên hay một cộng tác viên của Shopee khá phức tạp và công phu. Vị trí cần tuyển có thể chịu sự cạnh tranh từ nhiều ứng viên khác chứ không nhận ồ ạt và gấp gáp “chỉ còn 3 ngày cho vị trí cộng tác viên, ứng tuyển ngay!”

Nếu không tìm hiểu kỹ càng, ứng viên sẽ dễ bị thao túng và tin vào bất cứ lời bịa đặt từ kẻ lừa đảo. 

Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp

Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp

Kẻ lừa đảo thường xây dựng hình ảnh hào nhoáng bằng cách chia sẻ những khoảnh khắc cuộc sống sang chảnh: check-in tại các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng, mua sắm đồ hiệu đắt đỏ, thậm chí khoe tiền, sổ đỏ đầy tay… 

Theo như những gì các cá nhân này dựng lên, họ được tận hưởng cuộc sống nhàn rỗi, thành công và giàu có. Họ thể hiện việc sẵn sàng chia sẻ bí quyết cho bất cứ ai, đồng thời tạo nên vô số các nội dung thúc đẩy mong muốn làm giàu của người đọc. Bạn chỉ cần liên hệ để nhận một công việc dễ dàng, đơn giản và hái ra tiền. 

Một cách phổ biến hiện nay là biến một kẻ lừa đảo trở thành nhiều kẻ lừa đảo. Dễ hiểu hơn, một cá nhân quản lý nhiều tài khoản mạng xã hội, cách này giúp “nhà tuyển dụng” spam dày đặc và tiếp cận được nhiều nạn nhân. 

Chúng có thể đánh cắp thông tin, hình ảnh từ người khác để xây dựng lên những trang cá nhân uy tín, đáng tin cậy. Thời đại của chia sẻ thông tin công khai là cơ hội để các đối tượng trở thành bất cứ ai, bất cứ người giàu có, xinh đẹp nào một cách chân thật nhất. 

Ở một mức độ tinh vi hơn, chúng sử dụng các công cụ tăng lượt like, comment nhằm tăng độ tin cậy trong từng bài viết. Vì vậy, những hình ảnh đưa ra trên trang cá nhân chưa chắc là thật, hình ảnh mà bạn nhìn thấy không hẳn là người đang hướng dẫn bạn nhận nhiệm vụ. Thực chất phía sau màn hình kia có thể chỉ là một nhân viên “rởm”, làm công việc mạo danh người khác. 

Tìm kiếm đối tượng để lừa đảo

Kẻ lừa đảo thường nhắm đến những người còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm sống như tân sinh viên của các trường đại học. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng dễ bị lừa và không phải người đã đi làm nào cũng có thể vượt qua cám dỗ của việc nhẹ lương cao. Do vậy, bất cứ ai đều có nguy cơ trở thành nạn nhân, miễn là dễ dàng trao đi lòng tin tưởng. Đó có thể là sinh viên muốn có việc làm thêm trong khoảng thời gian rảnh hoặc người nhàn rỗi đang tìm kiếm một công việc trang trải cuộc sống. 

Nhu cầu này trở nên cấp bách hơn khi hiện nay tình hình kinh tế suy thoái, tìm kiếm việc làm khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao. Mức độ cạnh tranh lớn cho các công việc lương cao, hoặc từ các công ty lớn có chế độ tốt. 

Quá trình tìm kiếm con mồi từ kẻ lừa đảo duyệt đơn Shopee

Tìm kiếm việc làm qua các trang mạng xã hội dần trở nên phổ biến, chúng ta không thể phủ nhận các lợi ích mà xu hướng này đem đến. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề lại bắt nguồn từ việc các đối tượng lừa đảo coi mạng xã hội là môi trường để tìm kiếm nạn nhân. Không ít các đối tượng lợi dụng thời đại tìm việc online để quảng bá rầm rộ, thậm chí sẵn sàng chạy quảng cáo để tiếp cận càng nhiều ứng viên càng tốt. 

Tìm trọ trên mạng mà cũng bị … lừa tiền

Tìm trọ trên mạng mà cũng bị … lừa tiền

Theo phản ánh của N.Q.Đại - sinh viên năm nhất trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cậu đã từng trải nghiệm quá trình đội lốt cho thuê nhà trọ để tuyển cộng tác viên chốt đơn Shopee. 

Vào đợt đầu năm học, Đại đã chủ động tìm kiếm nhà trọ trên các trang hội nhóm Facebook. Một đối tượng tiếp cận cậu và nhiều sinh viên khác bằng thông tin về khu nhà trọ giá rẻ đầy đủ tiện ích. 

Khi thu hút được sự chú ý, đối tượng thay vì cho thuê phòng ở lại giới thiệu công việc cộng tác viên chốt đơn ảo. Chúng bày sự cám dỗ cho các nạn nhân về mức lương khủng, thời gian làm việc linh hoạt, có thể làm mọi lúc mọi nơi. 

Các đối tượng thường đánh vào tâm lý khao khát kiếm tiền phụ đỡ bố mẹ, có tiền sinh hoạt phí cải thiện cuộc sống. Những mong ước chân chính bị lợi dụng để các nạn nhân sa vào mất trắng hoặc nợ nần. 

Quay trở lại trường hợp của Đại, có thể thấy kẻ lừa đảo thường chọn các thời điểm nóng (sau khi có điểm thi đại học, những đợt tìm trọ tăng cao,...) để đăng bài trên các hội nhóm. Giá phòng rẻ đến bất ngờ. Ảnh và các thông tin liên quan thường không đáng tin cậy hoặc lấy từ người khác. 

Thủ đoạn lừa đảo đa dạng không chỉ dừng ở nhà trọ, cần lưu ý rằng chúng còn bày ra các cách khác như bán combo du lịch giá rẻ, “chủ động nhắn tin để nhận tư vấn miễn phí về các vấn đề bạn gặp phải”...  để người đọc tự chủ động tìm đến. 

Nhanh chóng trở thành Cộng tác viên

Ứng viên nhận được JD công việc sơ sài, gần như không có gì, phần lớn nhấn mạnh vào “việc nhẹ lương cao”. Theo các “nhà tuyển dụng”, họ không yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, giới tính, không bắt buộc về thời gian làm việc. Công việc đơn giản và chỉ với vài bước nhanh gọn, tiện lợi, hầu như ai ở bất cứ ngành nghề nào cũng có thể làm được. 

Thay vì tổ chức buổi phỏng vấn, gặp mặt chuyên nghiệp nhằm trao đổi trực tiếp giữa nhà tuyển dụng và ứng viên, các cá nhân chỉ cần làm vài bước theo hướng dẫn là có thể thực hiện ngay nhiệm vụ online mà không cần bất cứ cuộc gặp gỡ nào. 

Lời hứa hẹn về mức thu nhập cao

Mức thu nhập cao khi cộng tác viên hoàn thành nhiệm vụ được hứa hẹn bằng những lời cam kết chắc chắn, chuyên nghiệp. Cụ thể, tổng số tiền thưởng của cả ba lần rút lên đến 800 nghìn chỉ bằng thực hiện ba gói nhiệm vụ bao gồm thanh toán 15 đơn hàng. Một số “nhà tuyển dụng lừa đảo” khác sẵn sàng trả số tiền cao hơn, lên đến hàng triệu đồng.

Trong những đơn hàng được yêu cầu, càng những đơn hàng về sau, giá trị tiền mặt mà nạn nhân phải trả càng lớn. Khi có bất cứ thắc mắc nào, kẻ lừa đảo nhanh chóng bao biện với lời lẽ rằng “Các đơn hàng được sắp xếp hoàn toàn ngẫu nhiên, giá trị đơn hàng cao bạn sẽ nhận được nhiều hoa hồng hơn”. Thực tế chỉ ra rằng không hề có sự ngẫu nhiên nào ở đây cả.

Tiền thưởng và tiền chuyên cần đạt được khi bạn hoàn thành xong các nhiệm vụ trong một ngày, tức là ứng viên phải nạp thêm một số tiền nhất định mới có thể nhận mức lương hứa hẹn. 

Tuy nhiên, đáng lưu ý là số tiền nạp vào hoàn toàn không thể rút được cho dù đó là số tiền lớn hay nhỏ, và điều này chỉ được nhận ra khi con mồi đã hoàn toàn mắc bẫy. Vào thời kỳ đầu, nạn nhân không hay biết về nguy cơ nạp bao nhiêu mất bấy nhiêu, họ thực hiện nhiệm vụ là thanh toán ngay khi có yêu cầu, bị thao túng đến độ khó mà dừng lại. 

Ứng dụng hoặc đường link đáng ngờ

Ứng dụng hoặc đường link đáng ngờ

Sau khi đã lấy được lòng tin, nhà tuyển dụng cung cấp link được mạo danh là của Shopee hay các sàn thương mại điện tử uy tín khác. 

Ứng viên có thể phải tải app hoặc truy cập đường link để đăng ký tài khoản. Tại bước này, nạn nhân có thể phải điền các thông tin không cần thiết như số điện thoại người thân, số căn cước công dân, sổ hộ khẩu... Thông tin cá nhân được chuyển về tay kẻ xấu, có thể bị đánh cắp và gây rắc rối về sau này. 

Như trong bức ảnh trên, đối tượng sử dụng đường link rút gọn của jii.li - một trang web cho phép rút ngắn links, có chứa tên miền Shopee để tạo độ uy tín https://jii.li/ShopeeAffiliate. Nếu tìm hiểu một chút, trang web chính thức của Shopee Affiliate là https://affiliate.shopee.vn/.

Đối với những trang web mà kẻ xấu đưa, bạn không nên truy cập ngay lập tức mà nên tìm hiểu lại website chính thức của công ty là gì. Kẻ xấu thường thêm các ký tự vào tên miền, không những vậy chúng còn sao chép logo, hình ảnh y hệt bản gốc nhằm đánh lừa những “con mồi” nhẹ dạ.

Chiêu trò lừa đảo được chuẩn bị kỹ lưỡng

Chiêu trò lừa đảo được chuẩn bị kỹ lưỡng

Sự kỹ lưỡng thể hiện ở việc “nhà tuyển dụng” thao tác đầy chuyên nghiệp, bài bản, sử dụng mẫu câu sẵn có, thậm chí dấu chấm phẩy giống hệt nhau. Các bước hướng dẫn rõ ràng, trơn tru, ứng viên có thể dựa vào để thực hành luôn. 

Nhiệm vụ duy nhất của ứng viên là chốt đơn “ảo”, với mục đích tăng độ tương tác từ đó nâng cao uy tín của gian hàng. Theo lời các “nhà tuyển dụng”, đây là giao dịch giả, số tiền sẽ được hoàn lại sau khi nhiệm vụ hoàn tất, cộng tác viên có thể thu được lợi nhuận cao ngất ngưởng từ 10 đến 30% giá trị đơn hàng. 

Kẻ lừa đảo sẵn sàng kiên nhẫn diễn giải nhiệt tình từng bước nếu ứng viên chưa hiểu. Chúng cố gắng tạo độ thân thiện và lòng tin, từ đó kéo gần khoảng cách của hai người xa lạ. 

Trong quá trình làm việc, “nhà tuyển dụng” không ngừng khích lệ tinh thần, tâm lý ứng viên đồng thời khơi gợi nghĩa vụ và trách nhiệm mà công ty đặt ra. Công ty yêu cầu thái độ chuyên nghiệp, cần phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Kẻ lừa đảo không ngừng hối thúc cộng tác viên phải phản ứng ngay, không có thời gian xem xét, suy nghĩ cân nhắc vấn đề tiền bạc. 

Thao túng tâm lý nhằm chiếm đoạt tài sản

Khi cộng tác viên thực hiện xong một đến hai nhiệm vụ đầu, số tiền sẵn có trong tài khoản hết. Trong khi nhiệm vụ vẫn còn dang dở, “nhà tuyển dụng” yêu cầu nạp thêm. Do đã có sự tin tưởng nhất định vào người hướng dẫn mình, nạn nhân mạnh dạn sử dụng tiền cá nhân để cố gắng thực hiện nốt các đơn hàng còn lại. 

Nạn nhân nhận ra những đơn hàng sau có giá trị cao hơn nhiều so với các đơn đầu tiên như xe máy, tủ lạnh... một số tiền lớn cần phải bỏ ra. Nếu ứng viên có dấu hiệu nghi ngờ hoặc muốn dừng lại, sự xuất hiện mang tính chất trấn an từ “một người đã từng làm nhiệm vụ giống bạn” - thực chất là người cùng tổ chức lừa đảo. Người này không ngừng động viên, bằng những lời lẽ xây dựng tương lai tốt đẹp giống họ khi bạn kiên trì hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Thậm chí, người an ủi còn nhắn tin cảm ơn các nhân viên công ty đã tạo điều kiện giúp mình có mức thu nhập mơ ước. Đáng lưu ý, đây có thể là tài khoản ảo, một trong những chiêu trò “nhà tuyển dụng” sử dụng thao túng “con mồi”. 

Đến bước cuối, khi đã hoàn thành hết gói nhiệm vụ, đáng lẽ ứng viên được nhận lại khoản tiền công hấp dẫn như đã được hứa hẹn. Nhưng nạn nhân vẫn không rút được tiền, với lý do đi kèm “hệ thống lỗi không nhận được tiền”, “bạn đã nạp sai lệnh, không thực hiện hết nhiệm vụ, cần phải nạp tiếp”, hoặc “bạn thực hiện nhiệm vụ quá chậm gây tổn thất cho công ty”. Có thể những “lỗi” này không phải đến từ bạn, các “nhà tuyển dụng” vẫn dựng đủ nguyên cớ cho mọi sự trừng phạt là hợp lý. Họ sẵn sàng tặng kèm lời đe dọa “không hoàn thành tất cả các nhiệm vụ trong ngày sẽ không được nhận thưởng, thậm chí không được rút tiền mình đã nạp”.  

Thao túng tâm lý nhằm chiếm đoạt tài sản

Mặc dù nhận thấy những dấu hiệu bất thường, nạn nhân thường chấp nhận đâm lao phải theo lao, thực hiện nốt yêu cầu trong sự hồ nghi và tâm lý “được ăn cả, ngã về không”. 

Vấn đề ở đây là mọi chuyện chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, kẻ xấu tạo sức ép, vừa đấm vừa xoa, không ngừng thúc bách và khuyến khích. Ứng viên có rất ít thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng cân nhắc đúng sai. Họ lâm vào thế bí trong lựa chọn bế tắc: khi không muốn mất một khoản tiền, ứng viên có nguy cơ bị mất thêm một khoản nữa, có thể lớn hơn, để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. 

Dưới áp lực vừa khuyến khích vừa đe dọa từ “nhà tuyển dụng”, nạn nhân nhanh chóng rơi vào con đường càng ngày càng nạp nhiều, chơi đến tận cùng “cho đến hết tất cả nhiệm vụ là xong”. Khi bị phát giác ra hoặc thấy không thể kiếm thêm được nữa, “nhà tuyển dụng” nhanh chóng biến mất, thậm chí block thẳng tay, chặn mọi liên lạc và tiền bạc của cải nạn nhân bị ôm đi mất.

Giờ đây, ứng viên mới té ngửa ra mình là nạn nhân của một vụ chiếm đoạt tài sản dựa trên những chiêu trò thao túng tâm lý. 

Hậu quả mà lừa đảo CTV duyệt đơn Shopee để lại

Hậu quả mà lừa đảo CTV duyệt đơn Shopee để lại

Đầu tiên, doanh nghiệp bị giả mạo đối diện với nguy cơ mất uy tín, bị hiểu lầm là chủ mưu hoặc tiếp tay cho lừa đảo. Hình ảnh thương hiệu bị đánh cắp gây tổn hại danh tiếng nhiều năm xây dựng. Chính Shopee cũng tự mình lên tiếng đính chính công ty không hề tuyển cộng tác viên tại nhà hay bất cứ công việc online có mức lương cao bất thường nào. 

Về phía người bị hại, vô số nạn nhân đành bất lực, ngậm ngùi mất trắng. Nhiều người lên tiếng kêu cứu hoặc trình báo cơ quan công an vào cuộc. Tuy nhiên, rất ít trong số họ có thể nhận lại được tài sản sau khi đã trải qua nhiều bước điều tra phức tạp. Nạn nhân ngậm ngùi rơi vào tình cảnh việc không có chỉ thấy bao nhiêu là hậu quả gây rắc rối về sau. Các đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của ứng viên vào những mục đích xấu như đem rao bán lan tràn trên mạng, xâm phạm quyền riêng tư, các rủi ro không đáng có… 

Nạn nhân mất một khoản tiền lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng đó có thể lấy từ vốn tích cóp nhiều năm, vay bạn bè, người thân, thậm chí là xã hội đen để lại hậu quả khó lường. Một số trường hợp, kẻ lừa đảo yêu cầu làm công việc dưới dạng đa cấp. Nạn nhân nhiệt tình giới thiệu với bạn bè, người thân. Dù xuất phát từ ý tốt nhưng kết cục lại gây mất lòng tin, uy tín bản thân. 

Sau cùng, thứ "ích lợi" duy nhất mà kẻ lừa đảo đã để lại cho nạn nhân là một bài học đắt giá về sự cảnh giác đối với những việc làm "việc nhẹ lương cao" lan tràn trên mạng.

Công việc chốt đơn Shopee có lừa đảo không?

Vậy, với những bằng chứng trên thì công việc chốt đơn shopee có lừa đảo không? Phía đại diện của Shopee đã khẳng định rằng không có chương trình tuyển dụng công việc chốt đơn Shopee. Đồng thời, sàn TMĐT này cũng đã cảnh báo người dùng về phương thức tuyển dụng nêu trên. Theo Shopee, các tin tuyển dụng CTV chốt đơn hàng trên mạng xã hội là giả mạo. Mục đích của các đối tượng lừa đảo là chiếm đoạt tiền của người tham gia. Người dùng cần tỉnh táo trước các chiêu trò lừa đảo này và cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin trước khi tham gia bất kỳ chương trình tuyển dụng nào.

Shopee nói gì về những tin tuyển dụng lừa đảo?

Nguồn ảnh: [Cảnh báo lừa đảo] Tránh sập bẫy trước tin nhắn/bài đăng mạo danh Shopee tuyển dụng

Cách phòng tránh lừa đảo tuyển dụng

Để phòng tránh lừa đảo tuyển dụng nói chung và lừa đảo duyệt đơn Shopee nói riêng thì trang bị kiến thức là cực kỳ quan trọng. StudentJob xin liệt kê những cách mà bạn có thể phòng tránh lừa đảo tuyển dụng bằng cách chú ý về những dấu hiệu lừa đảo tuyển dụng như sau:

Xác thực thông tin của người tuyển dụng

Đối với các công việc được lan tràn khắp trên mạng, bạn không nên dễ dàng tin tưởng bất cứ ai tự xưng là nhân viên. Đề cao cảnh giác, thận trọng, vì cách tiếp cận nạn nhân của kẻ lừa đảo ngày càng đa dạng, tinh vi.

Bạn có thể chủ động yêu cầu và tìm hiểu thêm về độ uy tín. Đừng ngại trong việc hỏi rõ về email nhận việc, trang web chính thức, môi trường làm việc, địa chỉ công ty. Các công ty thường cung cấp minh bạch, chi tiết yêu cầu ứng viên tuyển dụng. Đặc biệt, công ty lớn và uy tín thường phỏng vấn kỹ càng hoặc ứng viên phải trải qua nhiều vòng loại, cho dù đó là vị trí Cộng tác viên online, thực tập sinh. 

Nếu thông tin không phù hợp hoặc câu trả lời có sự mập mờ, không rõ ràng, bạn cần ngừng lại, không nên đưa bất cứ thông tin cá nhân nào cho "nhà tuyển dụng". 

Thận trọng với những mức lương phá giá thị trường

Đề cao cảnh giác với những công việc đơn giản, dễ làm với chỉ vài bước nhanh gọn. Nên đặt ra nghi ngờ về mức lương cao gấp hai, gấp ba lần một nhà tuyển dụng thường sẽ trả cho vị trí đó. Bạn cần chuẩn bị một cái đầu lạnh cho quyết định phán đoán, tìm hiểu kỹ trước khi nhận bất cứ công việc nào.

Không chọn các công việc yêu cầu ứng viên đặt cọc và nạp tiền 

Không chấp nhận các khoản tiền phi lý như chi phí đăng ký, chi phí môi giới hay phí “đặt cọc” vị trí mà không có sự cam kết chắc chắn về vấn đề hoàn trả. Ngừng giao dịch, cắt liên lạc khi thấy những dấu hiệu lừa đảo, không “cố đấm ăn xôi” trao tiền chỉ để “thử xem sao”.

Kết luận

Sự thật đáng buồn rằng hiện nay, công việc lừa đảo đã và đang xen lẫn, khó phân biệt với những việc làm chính thống. Chúng dễ dàng lôi kéo nạn nhân nhẹ dạ cả tin bằng cái mác “việc nhẹ lương cao”, “làm tại nhà”. Rất nhiều người đã dính bẫy và phổ biến nhất là lừa đảo tuyển dụng CTV duyệt đơn Shopee - một loại bẫy đã được cảnh báo khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi có người vẫn nhẹ dạ thì kẻ lừa đảo vẫn tiếp tục tạo ra các thủ đoạn ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp. Chúng vi phạm quyền lợi người lao động, chiếm đoạt tài sản và trở thành một vấn nạn nhức nhối, khó loại bỏ của xã hội. 

Bài viết liên quan

Du học Na Uy: Chi phí, Điều kiện, Visa và Môi trường sống
Na Uy đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Quốc gia Bắc Âu này không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn sở hữu những thành tựu vượt trội trong giáo dục và nghiên cứu.
Du học Iceland: Visa, Chi phí & Môi trường sống
Iceland, với vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và nền văn hóa độc đáo, không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là một lựa chọn thú vị cho các sinh viên quốc tế. Hệ thống giáo dục tiên tiến, các trường đại học danh tiếng, cùng với môi trường sống an toàn và thân thiện, Iceland đang trở thành một điểm đến du học đầy hứa hẹn.
Du học Ba Lan: Chi phí, Visa, Học bổng & Điều kiện du học
Du học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, mở ra vô vàn cơ hội và trải nghiệm mới. Ba Lan, với nền giáo dục chất lượng, chi phí sinh hoạt hợp lý, và môi trường sống an toàn, đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, trước khi quyết định đặt chân đến đất nước này, có một số điều quan trọng bạn cần nắm rõ để chuẩn bị cho mình một hành trình học tập thành công và suôn sẻ.