Trở thành giáo viên có còn là một ý tưởng tốt hay không?
Tư vấn nghề nghiệp
Mục lục
Vì vậy, câu hỏi được đặt ra cho nhiều phụ huynh và học sinh trong thời điểm này là: Liệu mơ ước trở thành giáo viên có phải là sự lựa chọn đúng đắn? Hãy cùng StudentJob tìm hiểu các khía cạnh của nghề nhà giáo để đưa ra cái nhìn khái quát nhất về vấn đề này.
Những thách thức mà nghề nhà giáo đang gặp phải
Giáo viên ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, đa dạng trong quá trình giảng dạy và quản lý lớp học. Dưới đây là một số thách thức chung mà họ có thể phải đối mặt:
Khối lượng công việc lớn cần được giải quyết
Khối lượng công việc của giáo viên rất lớn không chỉ là lên lớp giảng dạy
Thiếu hụt ngân sách cho nghề giáo là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lực ở các trường học. Sự thiếu hụt nguồn lực bắt nguồn từ ngân sách còn hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của giáo dục. Lý do thiếu hụt nhân lực có thể là từ việc một số người không muốn tiếp tục theo đuổi nghề giáo, hoặc do giáo viên nghỉ hưu mà không tìm được nhân lực thay thế kịp thời.
Tình trạng này dẫn đến việc tăng số giờ dạy của mỗi giáo viên, giảm các hoạt động ngoại khóa. Giáo viên phải làm việc quá tải, chịu áp lực căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, việc phải đứng lớp nhiều để đảm bảo tiến độ học sẽ làm chất lượng giảng dạy bị giảm sút.
Giáo viên đối mặt với áp lực cao từ các kế hoạch giảng dạy, chuẩn bị bài giảng, chấm bài, họp phụ huynh, và theo kịp chương trình giáo dục. Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở các giáo viên cấp 1, cấp mà giáo viên chủ nhiệm sẽ phải đảm nhiệm rất nhiều công việc so với giáo viên bộ môn.
Hơn nữa, giáo viên phải dạy học sinh ở nhiều trình độ khác nhau dẫn đến khó khăn trong quá trình truyền đạt. Việc quản lý lớp học với sự đa dạng của học sinh và nhu cầu cá nhân hóa giáo dục đòi hỏi giáo viên có khả năng hài hoà các yêu cầu tốt.
Sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy
Sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy và sách giáo khoa khiến nhiều giáo viên không "theo kịp"
Một thách thức khác là sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy. Những năm gần đây, các phương pháp giảng dạy mới đang tập trung vào việc phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và khả năng sáng tạo của học sinh.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ yêu cầu giáo viên phải cập nhật và sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Điều này có thể là một thách thức đối với những người không quen thuộc với công nghệ hoặc sống trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật kém.
Các giáo viên phải cập nhật kiến thức và kỹ năng của mình để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Họ cần được đào tạo về cách xây dựng và thực hiện các hoạt động giảng dạy có sử dụng công nghệ tiên tiến.
Đợt dịch COVID-19 kéo dài đã tạo ra nhiều thách thức cho giáo viên khi phải chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống sang hình thức dạy học online. Nhiều giáo viên không có kinh nghiệm hoặc được đào tạo ít về các ứng dụng, đã gặp phải không ít thử thách trong việc chuyển đổi và thích ứng với công nghệ mới.
Vấn đề khó giải quyết nhất là việc đánh giá khả năng hiểu biết của học sinh trong từng buổi học và xử lý các trường hợp học sinh gian lận khi thi trực tuyến.
Cải tiến giáo dục liên tục
Sự cải tiến giáo dục liên tục và số đông giáo viên không được "lên ý kiến" cho quyền lợi của mình
Sự thay đổi và cải tiến liên tục trong chính sách giáo dục đôi khi tạo ra nhiều áp lực và thách thức cho giáo viên. Giáo viên thường phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, hiểu rõ về các chính sách mới, sự thay đổi trong quy trình đánh giá, hay cách áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Điều này có thể tạo ra áp lực lớn, đặc biệt là khi họ đã có lịch trình công việc bận rộn.
Ngành giáo dục Việt Nam đang chuyển đổi từ Chương trình Giáo dục Phổ thông 2006 sang Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 với nhiều sự thay đổi và cập nhật.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng nhiều phương tiện học tập khác nhau như sách giáo trình, tài liệu, video, phần mềm học tập, và các nguồn thông tin trực tuyến. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thúc đẩy việc tích hợp công nghệ vào quá trình giảng dạy, học tập. Mục tiêu là phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông của học sinh.
Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được cập nhật để phản ánh sự thay đổi trong xã hội và kinh tế, đồng thời đặt nhiều chú ý vào việc giáo dục nghề nghiệp và hướng nghiệp từ cấp tiểu học, nhằm giúp học sinh hiểu rõ về sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Theo thông tư 25/2020/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trường học là nơi tự quyết định lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh. Việc này đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên cần xem xét chất lượng, nội dung của sách giáo khoa để đảm bảo rằng chúng đáp ứng đúng và đủ mục tiêu giáo dục cùng kiến thức họ mong muốn truyền đạt.
Các thay đổi liên tục tạo ra sự không ổn định trong quy trình giảng dạy và quản lý lớp học. Giáo viên cảm thấy quá tải khi vừa phải thích ứng với những thay đổi, vừa phải tiếp tục duy trì ổn định lớp học. Một số giáo viên gặp khó khăn khi áp dụng các chính sách mới vào thực tế giảng dạy, đặc biệt là khi chúng đòi hỏi sự thay đổi lớn trong cách giảng dạy hoặc quy trình đánh giá học sinh.
Đôi khi, giáo viên có thể cảm thấy chán chường hoặc không chấp nhận được đối với những thay đổi mà họ không được tham gia hoặc không được đóng góp ý kiến. Một số chính sách khi được áp dụng chưa thể đem đến cho giáo viên quyền lên tiếng chia sẻ trải nghiệm cá nhân.
Yêu cầu ngày càng phức tạp từ học sinh và xã hội
Sự giám sát chặt chẽ của các bậc phụ huynh và xã hội khiến giáo viên khó tự chủ trong việc dạy học
Nghề giáo viên còn phải đối mặt với những thách thức từ các yêu cầu ngày càng phức tạp của học sinh và xã hội. Mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt, có nhu cầu học tập và phát triển riêng. Vì vậy, việc giảng dạy trở nên khó khăn hơn đối với giáo viên, bởi họ cần phải đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh trong lớp. Để thành công, giáo viên cần phải kết hợp sự linh hoạt trong giảng dạy, hiểu biết sâu sắc về cá nhân học sinh, và khả năng tạo ra môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự phát triển toàn diện của từng cá nhân trong lớp học.
Học sinh ngày nay có nhiều tâm lý phức tạp hơn so với thế hệ trước, chẳng hạn như tự ti, ngông nghênh, ghen tị,... Sự tự ti có thể xuất phát từ áp lực xã hội, chuẩn mực vẻ ngoại hình, hoặc khả năng cá nhân bị hạn chế. Ngược lại, một số học sinh tỏ ra ngông nghênh như một cách để thu hút sự chú ý và tìm kiếm sự công nhận từ bạn học, giáo viên. Trong môi trường học tập có sự cạnh tranh cao, tính cách ghen tị có thể nảy sinh khi học sinh thấy người khác đạt được thành công mà họ mong đợi.
Tâm lý phức tạp cũng tạo ra thách thức trong việc giáo viên xây dựng và duy trì quan hệ với học sinh. Mỗi cá nhân đòi hỏi một cách tiếp cận và tương tác khác nhau. Việc xây dựng một môi trường học tập tích cực và hỗ trợ, đồng thời duy trì sự ổn định trong lớp, trở thành một nhiệm vụ không dễ dàng cho bất cứ giáo viên nào.
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, nhiều trường hợp mâu thuẫn khó xử lý làm giáo viên cảm thấy lo lắng và bất an. Đây là vấn đề nóng, thu hút được nhiều sự quan tâm từ dư luận, vì vậy cách giáo viên xử lý những tình huống phức tạp này có thể gây ra nhiều tranh cãi từ các bên khác nhau.
Một số ý kiến cho rằng giáo viên không nên mắng mỏ hay sử dụng cách thức trừng phạt, thay vào đó họ nên áp dụng các biện pháp khuyên bảo, dạy dỗ nhẹ nhàng. Tuy nhiên, thực tế là không phải học sinh nào cũng có khả năng nghe lời và hiểu rõ những hậu quả từ hành động của mình.
Không bỏ qua một số trường hợp giáo viên có thái độ không chuẩn mực, gây bức xúc cho dư luận. Việc này không thể bị xem nhẹ, cần có biện pháp xử lý một cách nghiêm túc để bảo vệ quyền lợi của học sinh và duy trì uy tín của ngành giáo dục. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng một số phụ huynh, học sinh có cách nhìn nhận vấn đề quá nhạy cảm và cách phản ứng gay gắt, không tạo điều kiện cho thuận lợi để giải quyết vấn đề hiệu quả.
Các yêu cầu ngày càng phức tạp từ học sinh và xã hội tạo ra áp lực và làm giáo viên cảm thấy khó đáp ứng được những kỳ vọng của họ. Xã hội đang đặt ra những kỳ vọng về vai trò của giáo viên trong việc phát triển học sinh không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng sống.
Lương thưởng hạn chế
Lương thưởng của giáo viên là một vấn đề đã được tranh luận từ lâu. Ở nhiều quốc gia, giáo viên được trả lương thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác đòi hỏi trình độ học vấn tương đương.
Thậm chí, trong một số khu vực, lương của giáo viên không phản ánh đúng giá trị công việc và khả năng của họ. Vì vậy dẫn tới cảnh giáo viên không thể dồn hết tâm sức vào từng buổi dạy, nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đè nặng lên đôi vai họ. Nhiều người giáo viên phải chấp nhận làm nghề tay trái như livestream, buôn bán, chạy ship… để tiếp tục đam mê dạy học.
Một số giáo viên khó có thể trang trải cuộc sống và buộc phải tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Dẫn đến câu chuyện buồn về những mảnh đời mơ ước được gắn bó với nghề cao quý nhất.
Những động lực để giáo viên tiếp tục hành trình
Nhà giáo là một nghề nghiệp có nhiều khó khăn và thách thức. Vậy đâu là những động lực mà xã hội dành tặng riêng cho những con người này tiếp tục cuộc hành trình?
Mức lương của giáo viên tăng lên đáng kể
Tăng thu nhập là động lực chính để thúc đẩy nghề giáo
Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó, việc tăng lương giáo viên là một trong những mục tiêu thiết yếu nhất. Đây là cách làm hiệu quả để thu hút và giữ chân giáo viên giỏi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ ngày 01/7/2023 mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng căn cứ theo Nghị quyết 69/2022/QH15 của Quốc Hội và Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ.
Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nêu rõ về công thức tính tiền lương giáo viên mới như sau: Tiền lương = Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có) + Tiền thưởng (nếu có)
Trong đó:
- Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương)
- Quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Theo Nghị quyết 27 của Trung ương từ ngày 01/7/2024, có nêu rõ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công, cụ thể:
“Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.”
Do đó, từ năm 2025, giáo viên sẽ được điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Có thể kể đến một số nguyên nhân để lương giáo viên tăng:
- Tỷ lệ lạm phát. Lạm phát là sự gia tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Khi lạm phát tăng, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên, dẫn đến chi phí sinh hoạt của giáo viên cũng tăng lên. Để bù đắp cho chi phí sinh hoạt tăng, lương giáo viên cũng cần tăng lên.
- Những yêu cầu ngày càng cao đối với giáo viên. Trong những năm gần đây, giáo dục ngày càng được coi trọng và yêu cầu đối với giáo viên cũng ngày càng cao. Giáo viên cần có trình độ học vấn cao, kỹ năng giảng dạy tốt và khả năng thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Để đáp ứng những yêu cầu này, giáo viên cần được đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên. Điều này dẫn đến chi phí đào tạo giáo viên tăng lên, và các trường học cần tăng lương giáo viên để bù đắp cho chi phí này.
- Cạnh tranh với các ngành nghề khác. Trong những năm gần đây, nhiều ngành nghề khác đang cạnh tranh với nghề giáo về thu nhập. Để thu hút và giữ chân giáo viên giỏi, các trường học cần tăng lương để cạnh tranh với các ngành nghề khác.
- Tạo động lực về kinh tế. Điều quan trọng nhất là tạo động lực thúc đẩy giáo viên tiếp tục hành trình giảng dạy. Tránh những câu chuyện đáng tiếc về việc giáo viên từ bỏ sự nghiệp vì tiền lương không đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống. Việc tăng lương còn có thể đi kèm với cải thiện về các điều kiện làm việc khác như chính sách phúc lợi, cơ hội đào tạo và phát triển, điều kiện làm việc tốt hơn. Tất cả sẽ là động lực cho người giáo viên truyền đạt kiến thức mỗi ngày.
Trường Đại học trợ cấp cho sinh viên sư phạm
Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; sinh viên được nhận hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Việc Trường Đại học trợ cấp cho sinh viên sư phạm mang lại nhiều lợi ích quan trọng, không chỉ đối với sinh viên mà còn đối với sự phát triển chất lượng giáo dục và ngành nghề giáo viên.
Học phí, sách giáo trình, và các chi phí liên quan đến giảng dạy có thể là một gánh nặng đáng kể cho sinh viên, việc trợ cấp giúp giảm bớt điều này. Khi sinh viên không phải lo lắng về tài chính, họ có thể tập trung hơn vào việc học.
Sinh viên sư phạm là những người trực tiếp giảng dạy cho thế hệ tương lai. Họ cần có kiến thức và kỹ năng tốt để có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh. Việc trợ cấp cho sinh viên sư phạm có thể giúp họ có điều kiện học tập tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Điều này khuyến khích sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết trong quá trình giảng dạy. Sinh viên có thể thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới và tham gia vào các dự án nghiên cứu mà họ có thể không thể tham gia nếu không có trợ cấp.
Nghề giáo viên vẫn là một sự lựa chọn tuyệt vời
Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý
Quay trở lại câu hỏi được đặt ra ban đầu: Liệu mơ ước trở thành giáo viên có phải là sự lựa chọn đúng đắn?
Câu trả lời ngắn gọn là CÓ, mong muốn trở thành giáo viên ngày nay vẫn là một sự lựa chọn tuyệt vời. Giáo viên là một nghề quan trọng, đầy ý nghĩa cho xã hội, và có nhiều cơ hội cho những người mong muốn theo đuổi con đường này.
Các giáo viên không chỉ đóng vai trò truyền đạt kiến thức mà còn giúp hình thành nhân cách, giá trị con người cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên còn là người truyền cảm hứng, hỗ trợ phát triển năng lực cùng kỹ năng sống tới nhiều thế hệ học trò. Giáo viên có cơ hội tác động tích cực đến cuộc sống của học sinh và giúp họ phát triển thành những người thành công trong tương lai.
Làm việc với trẻ em là một hành trình đầy màu sắc, nơi giáo viên được chứng kiến sự trưởng thành của những con người nhỏ bé tràn đầy sức sống. Trẻ em, với tâm tính chân thành và sự tò mò được học hỏi, sẽ mang lại cho giáo viên không chỉ niềm vui mà còn là những khoảnh khắc hạnh phúc đáng trân trọng.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của một giáo viên thường đến từ sự tiến bộ của học sinh. Khi giáo viên thấy học sinh của mình phát triển, học tập và thành công, họ sẽ được tận hưởng cảm giác tự hào và hạnh phúc sâu sắc. Đây là trải nghiệm mà ít công việc nào có thể mang lại.
Làm nghề giáo không chỉ là công việc mà còn là một hành trình phát triển toàn diện cho giáo viên, tạo ra cơ hội để họ phát triển và hoàn thiện nhiều kỹ năng mềm quan trọng. Trong quá trình tương tác với học sinh, giáo viên sẽ tự nhiên phát triển được những kỹ năng quan trọng như giao tiếp, lãnh đạo, và tổ chức.
Trở thành một giáo viên vẫn là một ý tưởng tốt và có ý nghĩa lớn trong xã hội ngày nay. Mặc dù có khó khăn, thách thức, nhưng nghề nhà giáo vẫn là một trong những nghề nghiệp được tôn trọng nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, ngày 20 tháng 11 được chọn là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày dành riêng để tôn vinh những người thầy, người cô. Vào ngày này, học sinh và các tổ chức xã hội thường tạo ra các hoạt động, sự kiện để tri ân và tôn vinh thầy cô giáo.
Trong khi một số giáo viên đã từ bỏ, nhiều người lại cố gắng bền bỉ từng ngày truyền đạt kiến thức cho học sinh. Điều gì đã làm họ tiếp tục nỗ lực không ngừng trước những khó khăn mình gặp phải?
Lý do là bởi họ là những người có đam mê, tinh thần trách nhiệm và sẵn lòng chịu khó. Nếu bạn có các yếu tố trên, việc trở thành một giáo viên vẫn là một lựa chọn tuyệt vời.
Khi bắt đầu với mong ước trở thành giáo viên, bạn cần nắm rõ những khó khăn mình sẽ gặp phải cùng những giây phút nản lòng khó tránh khỏi
Kết luận
Nghề nhà giáo đang gặp không ít những thách thức và khó khăn trong thời đại hiện nay. Đã có những tiến bộ tích cực trong cách nhìn nhận cùng hỗ trợ để người giáo viên vững vàng bước tiếp. Đây là lý do tại sao ngày nay mong muốn trở thành giáo viên vẫn có thể là một ý tưởng tốt.
Nếu bạn đang cân nhắc trở thành giáo viên, hãy lưu ý đến những thách thức mà bạn có thể phải đối mặt. Khi bạn có đam mê sự nghiệp giáo dục và mong muốn tạo ra đóng góp trong cuộc sống của học sinh, thì nghề giáo viên sẽ là một lựa chọn phù hợp cho bạn.