Freelancer là gì? Công việc tuyển dụng Freelancer phổ biến
Thị trường việc làm
Mục lục
Freelancer là gì?
Freelancer hiểu theo tiếng Việt là một người làm việc tự do, độc lập và không thuộc sự quản lý trực tiếp của một công ty, đơn vị hay tổ chức nào cụ thể. Freelancer làm việc theo hình thức linh hoạt và tự quản lý thời gian, họ có thể làm theo số lượng sản phẩm yêu cầu hay làm dưới hình thức công việc thời vụ trong những dự án nhất định.
Họ có thể làm từ xa hoặc tại một không gian làm việc độc lập như văn phòng cá nhân. Hình thức làm việc của freelancer còn phụ thuộc vào loại công việc mà họ thực hiện. Một số freelancer có thể làm việc cho nhiều khách hàng khác nhau trong khi một số khác có thể tập trung làm việc cho một số ít khách hàng lớn.
Công việc của những người làm tự do có thể rất đa dạng, tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên môn và kỹ năng cá nhân. Một số công việc phổ biến trong lĩnh vực làm tự do bao gồm viết nội dung, thiết kế đồ họa, lập trình, dịch thuật, marketing, quản lý dự án, kiến trúc, âm nhạc, nhiếp ảnh, và nhiều lĩnh vực khác. Họ làm việc dựa trên các dự án hoặc công việc khá cụ thể và được trả lương theo từng dự án hoặc giờ làm việc.
Công việc tuyển Freelancer phổ biến nhất hiện nay.
Với sự tăng trưởng không ngừng từ xu hướng việc làm freelance, những công việc sau luôn đứng đầu trong những công việc có nhiều freelancer làm việc nhất.
1. Freelancer IT.
Công việc freelancer IT là một trong những công việc làm tự do online phổ biến và hấp dẫn cho người lao động và cả những sinh viên đại học có năng khiếu trong ngành công nghệ thông tin hiện nay. Những freelancer IT thường sẽ ký hợp đồng và làm việc cho những dự án thuộc vào sự quản lý của một công ty hay tổ chức cụ thể. Những công việc freelancer IT thường thấy như:
- Lập trình web (Web Developer)
- Lập trình di động (Mobile Developer)
- Lập trình frontend (Frontend Developer)
- Lập trình backend (Backend Developer
Mức thu nhập của những freelancer IT rất hấp dẫn, tuy nhiên, nó phụ thuộc vào năng lực và thời gian làm việc của từng người. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức thu nhập hấp dẫn cũng đi kèm với áp lực công việc, đặc biệt khi một số dự án freelance IT cho sinh viên có thể yêu cầu làm việc nhiều giờ tương đương với một nhân viên làm việc toàn thời gian.
2. Freelancer Thiết kế đồ họa.
Công việc freelancer thiết kế đồ họa hiện đang được rất nhiều người tìm kiếm và ứng tuyển. Công việc này dành cho những người có trình độ thẩm mỹ cũng kỹ năng thiết kế tốt. Sản phẩm của những freelancer thiết kế đồ họa thường là logo, banner, poster hay bao bì sản phẩm cho những công ty sản xuất.
Hiện nay, công việc freelancer trong ngành Thiết kế đồ họa đang nhận được sự ưu ái từ những công ty lớn và doanh nghiệp trên thị trường. Nguyên do có thể tiết kiệm được nhiều chi phí cũng như thời gian tuyển chọn nhân viên chính thức, các doanh nghiệp thích lựa chọn freelancer với các màu sắc đa dạng phù hợp với chủ đề theo từng dự án hơn.
3. Freelancer video editing.
Freelancer video editing đang có sức hút mạnh mẽ trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo, nhờ vào sự phát triển của các hình thức quảng cáo video. Là một freelancer video editing, bạn sẽ đảm nhận vai trò chỉnh sửa, dựng và tạo nên những video sáng tạo theo yêu cầu của khách hàng.
Một trong những lợi thế hấp dẫn của công việc freelancer video editing là sự tự do và thoải mái trong phong cách làm việc. Bạn có thể thể hiện sự sáng tạo và cá tính riêng của mình trong từng dự án. Đặc biệt, nếu bạn theo đuổi công việc này làm bán thời gian, bạn có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian làm việc để phù hợp với các hoạt động khác trong cuộc sống.
4. Freelancer content.
Freelancer content đang trở thành một xu hướng phổ biến đối với người lao động tự do và thậm chí là cả những sinh viên. Những người làm tự do trong ngành Content được thuê bởi các cá nhân hoặc tổ chức để sản xuất các loại nội dung như bài viết, blog, bài PR, mô tả sản phẩm, nội dung truyền thông xã hội, và nhiều loại nội dung khác.
Công việc freelancer content đòi hỏi người làm việc phải có kỹ năng viết lách tốt, khả năng nắm bắt yêu cầu của khách hàng, và tuân thủ các quy tắc về nội dung và chất lượng. Họ cần biết cách tìm hiểu và nắm bắt thông tin, sáng tạo và truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả qua văn bản.
5. Freelancer Virtual Assistant.
Freelancer Virtual Assistant (VA) là một người làm việc tự do trong vai trò của một trợ lý ảo. Một freelancer VA cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý và thực hiện công việc từ xa cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp lớn.
Các nhiệm vụ của một freelancer VA tương tự như một trợ lý ảo truyền thống, bao gồm quản lý lịch làm việc, truyền thông, email, tài liệu, nghiên cứu, quản lý dự án, hỗ trợ văn phòng điều hành và hỗ trợ truyền thông xã hội. Tuy nhiên, freelancer Virtual Assistant làm việc từ xa, thường thông qua các phương tiện truyền thông trực tuyến như email, cuộc gọi điện thoại, cuộc họp video và các công cụ truyền thông xã hội.
Lợi ích của việc thuê một freelancer VA bao gồm sự linh hoạt, tiết kiệm chi phí và khả năng tận dụng nguồn lực chuyên môn của một VA chuyên nghiệp mà không cần tạo ra một vị trí công việc cố định trong công ty. Điều này cho phép khách hàng tập trung vào công việc cốt lõi của mình trong khi giao phần việc hỗ trợ và quản lý cho những "trợ lý ảo làm việc tự do" này.
6. Freelancer Digital marketing.
Freelancer Digital Marketing là những người làm việc tự do trong ngành Marketing - PR, cung cấp các dịch vụ và chiến lược tiếp thị trực tuyến cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp lớn nhằm quảng cáo sản phẩm và cải thiện doanh số bán hàng.
Công việc mà freelancer Digital marketing có thể làm bao gồm như:
- Quảng cáo Facebook (bao gồm cả Instagram): Tạo và quảng cáo trên nền tảng Facebook và Instagram để tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và tăng tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ.
- Quảng cáo Google (bao gồm Re-marketing và YouTube): Sử dụng Google Ads để hiển thị quảng cáo trên kết quả tìm kiếm Google, trên các trang web đối tác và trên nền tảng YouTube.
- SEO (Search Engine Optimization): Áp dụng các kỹ thuật SEO để cải thiện thứ hạng của trang web trên các công cụ tìm kiếm, tăng lượng truy cập và tăng khả năng tìm thấy trang web trong kết quả tìm kiếm tự nhiên.
Lợi ích khi trở thành Freelancer.
Không tự nhiên mà xu hướng trở thành freelancer đang ngày càng rầm rộ. Công việc freelance mang lại cho người lao động nhiều lợi ích được kể đến như:
- Linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc: Freelancer có thể tự quyết định thời gian và địa điểm làm việc, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cân nhắc công việc và cuộc sống cá nhân. Những công việc freelance dưới hình thức của việc làm tại nhà giúp cho bạn có thể làm ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào mình thích và thậm chí tạm ngừng nhận việc để có thời gian đi du lịch, thư giãn, giải trí.
- Có nguồn thu nhập tốt: Nhìn chung mức thu nhập của freelaner khá tốt và bạn hoàn toàn có thể tự quyết định được mức thu nhập của mình là bao nhiêu. Đặc biệt nếu bạn thông thạo thêm các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật, v.v. thì nguồn thu nhập hàng tháng của bạn có thể gấp nhiều lần so với những nhân viên văn phòng bình thường.
- Đa dạng hóa kỹ năng: Vì làm việc với nhiều dự án và khách hàng khác nhau, freelancer có cơ hội phát triển và đa dạng hóa kỹ năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Tự do chọn lựa dự án: Freelancer có quyền lựa chọn dự án mà họ muốn làm việc, giúp họ tập trung vào những công việc mà họ quan tâm và có đam mê.
- Xây dựng mạng lưới và quan hệ: Làm việc với nhiều khách hàng và cộng đồng freelancer khác nhau, freelancer có cơ hội xây dựng mạng lưới quan hệ và mở rộng kết nối trong ngành. Đặc biệt mạng lưới của bạn sẽ có phạm vi rất rộng nếu bạn làm việc cùng những khách hàng nước ngoài.
Nhìn chung việc trở thành freelancer mang lại những lợi ích mà bất cứ người lao động thông thường nào mong muốn. Bạn được làm những gì bạn thích, không cần chấm công, không mất thời gian di chuyển, làm vào bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày. Đây chính là lý do khiến những việc làm freelance trở thành ước mơ và mục tiêu của một lượng lớn người lao động hiện nay.
Tác hại khi trở thành Freelancer.
Bên cạnh những lợi ích mà chúng ta vẫn thường nói, công việc freelancer vẫn có mặt trái với những tác hại đáng nói.
- Không ổn định về thu nhập: Thu nhập của một freelancer có thể rất cao khi có thể làm nhiều việc nhưng cũng hoàn toàn có thể không có thu nhập trong một thời gian dài nếu không tìm được việc. Sự không ổn định này không phải ai cũng có thể đối diện được và đôi khi bạn sẽ phải đối diện với tình huống thất nghiệp kéo dài.
- Thiếu bảo hiểm và phúc lợi: Một freelancer thường không được hưởng các phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nghỉ phép trả lương và lợi ích khác mà các nhân viên toàn thời gian làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp thường có. Điều này có nghĩa là bạn phải tự trang trải các chi phí và chịu rủi ro tài chính một cách độc lập.
- Cạnh tranh khốc liệt: Lĩnh vực freelancing thường rất cạnh tranh. Rất nhiều người cũng có mong muốn trở thành freelancer và bạn còn cần phải cạnh tranh với hàng nghìn freelancer khác để có thể tạo ấn tượng với khách hàng và dự án. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như sự kiên trì và nỗ lực, và đặc biệt là may mắn.
- Công việc không ổn định: Làm freelancer, bạn có thể phải đối mặt với sự không ổn định trong công việc. Có thể có thời gian mà bạn phải làm việc khuya, cuối tuần hoặc thậm chí không có dự án để làm. Điều này có thể tạo ra căng thẳng và bất ổn trong cuộc sống cá nhân và tài chính của bạn.
- Không được kết giao với đồng nghiệp: Với đặc thù làm việc tự do, bạn thường làm việc một mình và không có đồng nghiệp hoặc đồng đội trực tiếp. Điều này có thể dẫn đến cảm giác cô đơn và thiếu sự hỗ trợ và tương tác xã hội trong môi trường làm việc. Bạn sẽ không được kết nối với người khác và lâu dần có thể cho bạn cảm giác nhàm chán.
Mặt lợi ích của việc làm freelancer có lẽ ai cũng đã biết, nhưng mặt tác hại lại chưa thực sự được nhiều người quan tâm. Việc nắm được cả lợi ích và tác hại của việc làm tự do giúp cho bạn có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn và đưa ra được những quyết định đúng đắn.
Lời kết.
Trở thành Freelancer đã trở thành xu hướng nhiều người lao động hướng đến, đặc biệt là những bạn trẻ. Bên cạnh sự tự do về thời gian và không gian làm việc cùng với mức thu nhập tốt. Bạn cũng cần lưu ý về tính chất không ổn định của công việc và sự cô đơn khi làm việc độc lập 1 mình trong một thời gian dài. Hãy xem xét thật kỹ toàn bộ các yếu tố cũng như sở thích cá nhân trước khi đưa ra quyết định chính thức. Chúc bạn thành công!