Giải thích về làn sóng layoff trong ngành công nghệ 2025
Thị trường việc làm
Mục lục
Dù nền kinh tế số vẫn tiếp tục phát triển, nhưng áp lực từ sự chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đang đặt ra thách thức lớn đối với việc duy trì nguồn nhân lực trong ngành. Sự biến động này không chỉ ảnh hưởng đến các vị trí cấp thấp mà còn lan rộng đến những vị trí cấp cao hơn, buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc để thích ứng với xu hướng mới.
Cơn sóng layoff ngành công nghệ bắt đầu trên toàn thế giới và khuấy động cả thị trường Việt Nam
Vào tháng 8 năm 2024, gã khổng lồ Intel đã công bố kế hoạch cắt giảm 15% lực lượng lao động của mình - tương đương khoảng 15.000 việc làm - và cho biết phần lớn các đợt cắt giảm này sẽ được thực hiện vào cuối năm. Đây là một phần trong nỗ lực cắt giảm chi phí 10 tỷ đô la vào năm 2025.
Vào tháng 7 năm 2024, công ty phần mềm UKG có trụ sở tại Massachusetts đã trở thành tiêu điểm nóng khi sa thải 14% lực lượng lao động tại Bắc Mỹ - xóa bỏ khoảng 2.200 việc làm trong tổng số 15.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Theo Layoffs.fyi, tính đến tháng 10 năm 2024, 476 công ty công nghệ đã sa thải hơn 141.467 nhân viên vào năm 2024. Trong khi đó nếu cộng lại năm 2022 và 2023, có đến 428.449 người lao động lĩnh vực công nghệ đã bị sa thải.
Trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với làn sóng sa thải, ngành công nghệ tại Việt Nam cũng không tránh khỏi những biến động đáng lo ngại. Chỉ riêng trong tháng 1 năm 2025, hơn 7.000 nhân sự từ 31 hãng công nghệ lớn tại Việt Nam đã bị mất việc do các đợt cắt giảm nhân sự.
Dù ngành công nghệ luôn được xem là “điểm nóng” của nền kinh tế, thì người lao động trong lĩnh vực này cũng đang chịu nhiều áp lực lớn. Các chuyên gia tuyển dụng nhận định rằng, trong khi nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn tồn tại, thì các vị trí cần mức năng lực trung bình hoặc thấp sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Vì vậy, các cá nhân trong ngành phải không ngừng nâng cao kỹ năng và thích nghi để duy trì vị thế trên thị trường việc làm.
Nguyên nhân gây ra làn sóng layoff ngành công nghệ
Có một số yếu tố gây ra việc sa thải hàng loạt lao động công nghệ, bao gồm nền kinh tế, lạm phát, lãi suất cao hơn, tuyển dụng quá mức và đại dịch COVID-19.
Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động đến thị trường việc làm công nghệ
AI đang tạo ra sự phân hóa trong thị trường lao động ngành công nghệ khi các công ty ngày càng tìm kiếm nhân sự có kỹ năng liên quan đến AI. Tuy nhiên, sự xuất hiện này không đồng nghĩa với mất việc làm mà có thể giúp nâng cao năng suất và hỗ trợ người lao động. Những ai không chủ động học cách sử dụng AI mới thực sự phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế.
Suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến làn sóng sa thải
Có nhiều yếu tố khác nhau cùng đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, như chiến tranh thương mại, cuộc chiến ở Ukraine, suy thoái sau đại dịch và lãi suất tăng cao.
Điều đó dẫn đến việc các công ty có kế hoạch sa thải như một phương pháp sinh tồn để cắt giảm chi phí khi doanh thu và lợi nhuận giảm sút.
Lạm phát
Khi lạm phát tăng cao, người tiêu dùng sẽ phải chứng kiến giá cả tăng vượt ngoài tầm chi tiêu. Nền kinh tế suy yếu khi người dân hạn chế chi tiêu để thích ứng với giá cả leo thang. Chi phí sinh hoạt tăng đáng kể, buộc cả cá nhân và doanh nghiệp phải cắt giảm chi tiêu. Các công ty công nghệ nói riêng phải chịu chi phí dịch vụ tăng, vì vậy các công ty phải đánh giá và cắt giảm nếu cần thiết.
Khi doanh nghiệp cắt giảm ngân sách quảng cáo, các nền tảng như Meta, Google, Instagram, Snap và ByteDance phụ thuộc vào mô hình kinh doanh dựa trên doanh thu quảng cáo phải lao đao trước làn sóng giảm bớt phụ thuộc vào công nghệ này.
Lãi suất cao hơn
Lãi suất cao ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của các công ty do chi phí vay tăng lên. Điều này tác động trực tiếp đến các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC - venture capitalists) và nguồn vốn cho các startup. Khi tương lai kinh tế không chắc chắn, các công ty ngần ngại đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao. Sự bất ổn kinh tế buộc doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược tuyển dụng và tăng trưởng.
Áp lực từ nhà đầu tư
Các nhà đầu tư muốn các công ty giảm chi phí khi doanh thu chậm lại. Các quỹ đầu tư mạo hiểm lo ngại rằng lợi nhuận sẽ giảm sau giai đoạn tăng trưởng lớn. Ví dụ, TCI Fund Management đã kêu gọi Alphabet, công ty mẹ của Google, cắt giảm biên chế và hành động để cải thiện lợi nhuận. Các công ty công nghệ lớn khác, chẳng hạn như Meta và Microsoft cũng chịu áp lực tương tự từ nhà đầu tư, khi bị chỉ trích rằng quy mô nhân sự của họ quá lớn so với nhu cầu thực tế.
Tuyển dụng quá mức trong đại dịch
Một phần nguyên nhân dẫn đến làn sóng sa thải là do các công ty cần điều chỉnh lại việc tuyển dụng quá nhiều nhân sự. Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, công nghệ phát triển mạnh mẽ khi mọi hoạt động đều chuyển sang trực tuyến. Mọi người làm việc từ xa, mua sắm online, đặt hàng thực phẩm giao tận nhà, xem phim trực tuyến và tham gia các lớp học từ xa thay vì đến trường. Khi phải cách ly và hạn chế ra ngoài, thời gian sử dụng internet của mọi người tăng đáng kể.
Sự bùng nổ hoạt động trực tuyến đã mang lại cho các công ty công nghệ lợi nhuận kỷ lục và đẩy mạnh tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu. Các công ty công nghệ nghĩ rằng đây sẽ là trạng thái bình thường mới, nên đã mở rộng quy mô nhân sự nhanh chóng.
Meta gần như đã tăng gấp đôi biên chế nhân viên của mình. Vào tháng 3 năm 2020, Meta báo cáo có 48.268 nhân viên và hơn 80.000 nhân viên vào tháng 9 năm 2022. Vào tháng 11 năm 2022, công ty thông báo sẽ sa thải 11.000 nhân viên.
Hiện tại, một số công việc đã và đang dịch chuyển trở lại cách thức như trước đại dịch. Cho dù đại dịch đã thay đổi cách chúng ta làm việc (ví dụ như làm việc theo lịch trình kết hợp) thì mọi người cũng sẽ không sử dụng công nghệ nhiều như khi làm việc tại nhà toàn thời gian. Thay vào đó, họ dành thời gian đến các cửa hàng, đi du lịch, tham dự các sự kiện thể thao, đi xem phim và ăn tối. Với nhu cầu về dịch vụ công nghệ thấp hơn, nhu cầu tuyển dụng những người mới cũng giảm.
Thực tế hậu đại dịch
Nhiều nhân sự được tuyển dụng trong đại dịch không phải là lao động mới vào nghề, mà là các kỹ sư phần mềm và nhà phát triển giàu kinh nghiệm với mức lương đáng mơ ước cùng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Tuy nhiên, các công ty đang đối mặt với tình trạng dư thừa nhân sự và quá tải lao động. Họ từng kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng khi đại dịch đi qua, mọi người quay trở lại lối sống như trước. Do đó, các tập đoàn công nghệ lớn đang cắt giảm số lượng nhân viên được tuyển dụng trong giai đoạn bùng nổ này, đặc biệt là những nhân sự được hưởng mức đãi ngộ cao.
Ngành công nghệ đang trưởng thành
Việc sa thải nhân viên công nghệ cũng có thể là kết quả của việc ngành công nghiệp trưởng thành hoặc trở nên ổn định hơn sau khi tăng trưởng nhanh. Các công ty công nghệ có thể không theo kịp tốc độ thu hút nhiều khách hàng mới vì nhiều người đã sử dụng dịch vụ của họ. Thay vào đó, các công ty công nghệ có thể đang hướng tới mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm hoặc mở rộng ra toàn cầu.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank
Tháng 3/2023, ngành công nghệ đối mặt với một thách thức mới khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ do thiếu sự đa dạng hóa và cuộc rút tiền hàng loạt. SVB từng là ngân hàng tài trợ đắc lực cho các startup công nghệ khi các ngân hàng khác không muốn chấp nhận rủi ro cao hơn.
Với sự sụp đổ của SVB, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và ngân hàng sẽ lo lắng hơn về việc chấp nhận rủi ro của các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là công ty công nghệ.
Làm thế nào vượt qua làn sóng layoff ngành công nghệ?
Trong công nghệ, bạn cần phải đi trước xu hướng nếu không bạn sẽ trở nên lỗi thời. Hãy dành thời gian để hiểu công ty công nghệ của bạn đang đầu tư vào lĩnh vực gì, đọc các bài viết liên quan đến công nghệ, tìm hiểu về các xu hướng công nghệ mới.
Nâng cao kỹ năng chuyên môn
Nâng cao lại kỹ năng là một trong những chiến lược hàng đầu mà bạn có thể áp dụng để duy trì giá trị của mình. Bởi vì nhu cầu về một số vị trí trong ngành có thể thay đổi. Nếu bạn muốn duy trì vị trí trong lĩnh vực của mình, hãy chú ý rằng học tập và nâng cao kỹ năng sẽ rất quan trọng.
Đừng quên cải thiện các kỹ năng mềm
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng ngành công nghệ thông tin chỉ xoay quanh số liệu, lập trình và thuật toán phức tạp. Dù điều này đúng một phần, nhưng công việc trong ngành công nghệ còn hơn thế nữa!
Một nghiên cứu khá xa chúng ta về mặt thời gian, đó là nghiên cứu của Carnegie Foundation từ năm 1918 cho thấy 85% sự thành công trong công việc đến từ kỹ năng giao tiếp, trong khi chỉ 15% phụ thuộc vào kiến thức kỹ thuật.
Điều này vẫn đúng đến ngày nay. Theo báo cáo Global Talent Trends 2019 của LinkedIn, 89% nhà tuyển dụng cho biết lý do chính khiến một nhân viên không thành công không phải do thiếu kỹ năng chuyên môn, mà do thiếu kỹ năng mềm.
Thể hiện giá trị của bạn
Sự thật phũ phàng là nếu bạn làm việc trong một bộ phận tiêu tốn chi phí thay vì tạo ra doanh thu, nguy cơ bị sa thải của bạn sẽ cao hơn! Vì vậy, bạn cần liên tục thể hiện giá trị của mình đối với công ty công nghệ, đặc biệt nếu bạn sở hữu một kỹ năng đặc biệt, có giá trị đối với doanh nghiệp.
Hãy chủ động giao tiếp với nhóm về những thách thức và thành công trong dự án, thể hiện rõ ràng kết quả mà bạn đã đóng góp. Tham gia các cuộc họp nhóm và đóng góp ý kiến cũng là một cách để khẳng định vai trò của bạn.
Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới trong cộng đồng công nghệ và chia sẻ kiến thức trên các diễn đàn, sự kiện cũng giúp bạn tạo dựng danh tiếng và chứng minh giá trị của mình. Luôn duy trì thái độ tích cực, hãy đảm bảo quy trình làm việc suôn sẻ bằng cách xác định vấn đề, đề xuất giải pháp, thúc đẩy các phương pháp làm việc hiệu quả và đề xuất cải tiến khi có thể.
Chuẩn bị trước: Cập nhật CV của bạn
Ngành công nghệ có tính đào thải cao, và sa thải nhân sự là một phần của ngành này. Vì vậy, hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống bằng cách cập nhật CV của bạn.
- Cập nhật kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của bạn.
- Liệt kê các dự án đã tham gia, chứng chỉ hoặc giải thưởng bạn đã đạt được.
- CV của bạn phản ánh đúng các xu hướng công nghệ mới nhất.
Bắt đầu với một bản mô tả công việc rõ ràng, nêu bật những kỹ năng bạn đã tích lũy. Hãy sử dụng từ khóa phù hợp với ngành để CV của bạn nổi bật hơn. Đặc biệt, đừng quên liệt kê những thành tựu cụ thể để giúp nhà tuyển dụng thấy được giá trị của bạn.
Việc bị đưa vào danh sách layoff không phải là lỗi của bạn
Khi các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon và Microsoft thông báo sa thải vào đầu năm 2022 trên một số đơn vị kinh doanh với nhiều vị trí khác nhau, nhiều nhân viên công nghệ đã bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Một số người đã nhận biết trước điều đó trong khi những người khác hoàn toàn bất ngờ. Bất kể tình hình như thế nào, chúng ta nên nhớ rằng sa thải không phải lúc nào cũng là lỗi của nhân viên.
Trong hầu hết các trường hợp, việc sa thải nhân viên công nghệ là một phần của kế hoạch tái cấu trúc hoặc do suy thoái kinh tế. Do đó, chúng ta nên hiểu rằng việc sa thải nhân viên có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Bạn cũng có thể coi đó là cơ hội để phát triển và trưởng thành – để học một điều gì đó mới, chẳng hạn như kỹ năng công nghệ hoặc kỹ năng mềm. Hãy coi đó là một bước tiến đầy mạo hiểm và bạn có thể thử một điều gì đó mới như thay đổi lĩnh vực công nghệ hoặc theo đuổi bằng cấp nâng cao trình độ.
Các đợt sa thải đáng chú ý đã xảy ra trong ngành công nghệ
Tùy theo quy mô công ty, số lượng nhân sự bị sa thải có thể lên tới hàng chục nghìn hoặc chỉ vài trăm, nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động. Một số công ty, chẳng hạn như Meta, đã tiến hành nhiều đợt cắt giảm nhân sự liên tiếp. Meta đã sa thải 11.000 nhân viên vào tháng 11/2022, sau đó cắt giảm thêm 10.000 người vào tháng 3/2023.
Amazon cũng đã có nhiều đợt cắt giảm lớn, bao gồm 10.000 nhân viên vào tháng 11 năm 2022, 8.000 nhân viên vào tháng 1 năm 2023 và 9.000 nhân viên vào tháng 3 năm 2023.
Elon Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC rằng ông đã cắt giảm khoảng 80% nhân sự của Twitter, cắt giảm hơn 6.000 nhân viên kể từ khi tiếp quản. Twitter từng có khoảng 8.000 nhân viên, nhưng sau nhiều đợt sa thải, con số này hiện chỉ còn khoảng 1.500 người.
Kết luận
Khi đã hiểu lý do tại sao các công ty công nghệ sa thải nhân viên, chúng ta có thể bắt đầu chuẩn bị cho bản thân bằng cách luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng công nghệ của mình. Hơn nữa, bạn nên nhớ rằng việc sa thải nhân viên không phải là lỗi của chính bản thân mình và hãy coi tình huống này như một triển vọng để có bước nhảy vọt trong sự nghiệp.