Cách trả lời Điểm Mạnh và Điểm Yếu trong phỏng vấn

21/12/2023 11:18
Mẹo phỏng vấn
Có bao giờ bạn tự hỏi điều gì khiến mình nổi bật trong buổi phỏng vấn xin việc không? Hay điều gì đang cản trở bạn lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng? Cuộc phiêu lưu tìm việc không chỉ là hành trình đến với cơ hội mới mà còn là cơ hội để bạn khám phá bản thân. Vì vậy, hôm nay StudentJob sẽ đưa bạn vào cuộc hành trình này bằng cách đặt ra những câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu trong phỏng vấn xin việc.

Mục lục

Tại sao cần trả lời về Điểm Mạnh và Điểm Yếu trong phỏng vấn?

Điểm mạnh và điểm yếu trong phỏng vấn xin việc

Đối với nhà tuyển dụng, mục đích của câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu là để đánh giá về khả năng phù hợp của ứng viên đối với môi trường làm việc và văn hóa công ty. Tất cả chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Vì vậy, nhà tuyển dụng cần biết bạn đang có những điểm mạnh nào và những điểm yếu nào để có thể đưa ra những đánh giá khách quan nhất về sự phù hợp của bạn với công ty.

Khi ứng viên có thể thoải mái nói về điểm mạnh và điểm yếu thì cuộc trò chuyện trở nên gần gũi hơn. Điều này có thể giúp tạo ra một không khí thoải mái, và đem lại sự hiểu biết tốt hơn giữa người tuyển dụng và ứng viên.

Thông thường khi hỏi về điểm mạnh và điểm yếu, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá một vài thứ như:

  • Ứng viên có kỹ năng tự đánh giá bản thân hay không?
  • Ứng viên có biết điểm mạnh của mình là gì không? Ứng viên sẽ sử dụng điểm mạnh của mình trong công việc như thế nào?
  • Liệu ứng viên có giải quyết được những điểm yếu của mình không? Điểm yếu đó đã được cải thiện như thế nào?
  • Với đặc điểm tính cách của mình, ứng viên có thể cân bằng giữa các thành viên trong nhóm được không?

Đối với ứng viên, hãy nghĩ rằng đây là cơ hội để bạn nổi bật hơn so với những ứng viên khác thông qua những điểm mạnh của bản thân và chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn có một “mindset” tuyệt vời và phù hợp với công việc như thế nào. Đối với điểm yếu, đừng ngần ngại che dấu nhà tuyển dụng. Hãy cứ thành thật và thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn nắm rõ điểm yếu của mình và đang cải thiện nó như thế nào. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn đa chiều hơn về bạn. Họ sẽ nhìn nhận vào sự trung thực và dám đối mặt với những điểm yếu của bạn.

Những lưu ý khi trả lời về Điểm Mạnh và Điểm Yếu trong phỏng vấn

Trước khi đi vào những cách để trả lời và ví dụ về trả lời điểm mạnh và điểm yếu. StudentJob muốn nhắc bạn đọc về những lưu ý khi trả lời về điểm mạnh và điểm yếu trong phỏng vấn xin việc. Cụ thể:

Lưu ý khi trả lời về Điểm Mạnh trong phỏng vấn xin việc

Làm thế nào để trả lời câu hỏi về điểm mạnh thật ấn tượng với nhà tuyển dụng? Đây chắc hẳn là câu hỏi của rất nhiều ứng viên khi tham gia phỏng vấn. Hãy nhớ rằng: 

  • Chỉ chọn những điểm mạnh liên quan trực tiếp đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.
  • Có thể đưa ra ví dụ cụ thể về cách bạn đã sử dụng điểm mạnh này trong công việc hoặc cuộc sống.
  • Đề cập đến kết quả hoặc thành tựu mà bạn đã đạt được nhờ điểm mạnh đó.
  • Chỉ ra làm thế nào điểm mạnh của bạn có thể giúp bạn thành công trong vai trò bạn đang ứng tuyển.
  • Cuối cùng, tự tin khi nói về điểm mạnh của mình là quan trọng, nhưng cũng đừng để sự tự tin đó trở thành sự kiêu ngạo.

Lưu ý khi trả lời Điểm Yếu trong phỏng vấn xin việc

Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên trả lời như thế nào về điểm yếu của mình thì bạn có thể tham khảo một số lưu ý mà StudentJob đề cập dưới đây:

  • Hãy mô tả điểm yếu của bạn một cách cụ thể và tránh những mô tả quá chung chung.
  • Cho nhà tuyển dụng biết bạn đã nhận thức điểm yếu này thông qua trải nghiệm làm việc hoặc học tập như thế nào.
  • Hãy mô tả những bước cụ thể mà bạn đã hoặc đang thực hiện để khắc phục điểm yếu này.
  • Hãy liên kết điểm yếu của bạn với vị trí công cụ thể mà bạn đang ứng tuyển. Điều này cho thấy bạn đã xem xét và suy nghĩ về cách điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của bạn.
  • Đồng thời, hãy nêu rõ chiến lược mà bạn sẽ làm gì để đảm bảo điểm yếu này sẽ không làm ảnh hưởng đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Cách để trả lời về Điểm Mạnh trong phỏng vấn xin việc

Cách trả lời điểm mạnh trong phỏng vấn xin việc

Trước tiên, hãy đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng. Mục tiêu chính của câu hỏi này là để đánh giá rằng bạn có sự hiểu biết sâu sắc về bản thân như thế nào và làm thế nào để các điểm mạnh đó có thể đóng góp cho vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển. 

Đối với điểm mạnh, StudentJob khuyên bạn hãy tự tin, đừng ngần ngại “khoe khoang”. Đây là cơ hội để bạn thể hiện mình trước nhà tuyển dụng. Hãy đề cập đến 1-2 điểm mạnh hàng đầu mà bạn cảm thấy phù hợp nhất với vị trí công việc bạn đang ứng tuyển. Sau đó, hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn đã sử dụng chúng vào trong công việc như thế nào. Bạn có thể chuẩn bị những câu trả lời này trước buổi phỏng vấn. 

Ngoài ra, có một lời khuyên mà StudentJob muốn dành cho bạn. Hãy suy ngẫm thật kỹ về 2 câu hỏi này trước khi đưa ra câu trả lời về điểm mạnh của bản thân, đó là:

  • Tại sao bạn giỏi về (Điểm mạnh)?
  • (Điểm mạnh) giúp bạn trong công việc như thế nào?

Ví dụ để trả lời về Điểm Mạnh trong phỏng vấn xin việc

Ví dụ để trả lời về điểm mạnh trong phỏng vấn xin việc

Nếu bạn băn khoăn không biết mình có điểm mạnh gì thì hãy để StudetJob gợi ý về những điểm mạnh thường thấy nhé! Nhìn chung, điểm mạnh sẽ bao gồm:

  • Trình độ chuyên môn cao
  • Sáng tạo
  • Kiên nhẫn
  • Đáng tin cậy, độ trung thực cao
  • Có trách nhiệm, tận tâm với công việc
  • Thích ứng nhanh với môi trường mới
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề
  • Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả
  • Kỹ năng lãnh đạo
  • Trình độ ngoại ngữ
  • Kỹ năng tin học văn phòng

Dưới đây là một vài mẫu trả lời của câu hỏi điểm mạnh phổ biến mà StudentJob muốn gợi ý cho bạn. Bạn có thể áp dụng nó được trong hầu hết các vị trí công việc. 

1. Kỹ năng giải quyết vấn đề

"Một trong những điểm mạnh chính của tôi là kỹ năng giải quyết vấn đề, tôi tin rằng điều này sẽ rất hữu ích cho vị trí [Tên Vị Trí] mà tôi đang ứng tuyển. Trước đây, khi ở vị trí [Tên Vị Trí], tôi đã gặp một thử thách lớn khi dự án quan trọng phải đối mặt với rủi ro vượt quá ngân sách và thời gian dự kiến. Tuy nhiên, tôi đã nhanh chóng chủ động xác định nguyên nhân cốt lõi của vấn đề và đề xuất một hệ thống quản lý dự án mới, giúp cải thiện đáng kể quy trình làm việc.

Tôi tin rằng kỹ năng này sẽ rất quan trọng trong vai trò [Tên Vị Trí], nơi tôi có thể gặp phải các tình huống không lường trước được. Tôi tự tin rằng khả năng giải quyết vấn đề của mình sẽ giúp tôi đóng góp tích cực cho nhóm và công ty. Tôi cũng luôn sẵn lòng học hỏi và phát triển kỹ năng này hơn nữa trong môi trường làm việc mới."

2. Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả

“Điểm mạnh của tôi là kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả. Trong những, tôi đã chia nhỏ công việc, ưu tiên nhiệm vụ, và kết quả là chúng tôi hoàn thành dự án trước hạn [Thời gian] và dưới ngân sách. Kỹ năng này giúp tôi tối ưu hóa công việc và tăng cường hiệu suất làm việc của nhóm. Với khả năng này, tôi tin rằng sẽ đóng góp tích cực vào vị trí [Vị trí công việc], đảm bảo việc hoàn thành các dự án một cách hiệu quả và đúng hạn."

3. Kiên nhẫn

"Kiên nhẫn là một trong những điểm mạnh chính của tôi. Trước kia, tôi đã dùng sự kiên nhẫn của mình để giải quyết những bất đồng xảy ra trong nhóm. Cuối cùng dẫn đến việc đạt được sự đồng thuận và hoàn thành dự án trước thời hạn. Kết quả này không chỉ cải thiện hiệu suất của nhóm mà còn tăng cường mối quan hệ với khách hàng. Tôi tin rằng sự kiên nhẫn của tôi sẽ là một tài sản quý giá trong vị trí [Tên Vị Trí] này, giúp tôi xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp và thúc đẩy mục tiêu chung của tổ chức.”

4. Đáng tin cậy, độ trung thực cao:

“Sự đáng tin cậy và trung thực là một trong những điểm mạnh. Tôi đã chứng minh điều này bằng cách quản lý ngân sách một cách minh bạch, giúp công ty tiết kiệm chi phí đáng kể. Sự trung thực của tôi không chỉ giúp tăng cường niềm tin từ đồng nghiệp và lãnh đạo, mà còn cải thiện hiệu suất công việc. Tôi tin rằng, khả năng này sẽ rất hữu ích trong vị trí [Tên Vị Trí] mà tôi đang ứng tuyển, giúp tôi xây dựng mối quan hệ tin cậy và đóng góp tích cực cho tổ chức."

5. Sáng tạo:

“Điểm mạnh lớn nhất của tôi là khả năng sáng tạo. Tôi nghĩ rằng hầu như ở mọi vị trí công việc đều yêu cầu sự sáng tạo. Trước đây, khi làm ở vị trí [Tên Vị Trí] tôi đã đề xuất một chiến lược tiếp thị mới. Kết quả là tăng doanh số bán hàng lên 25%. Tôi tin rằng khả năng sáng tạo của bản thân sẽ giúp công ty tạo ra những sản phẩm và dịch vụ độc đáo, ngoài ra còn củng cố vị thế cạnh tranh trên thị trường."

Cách để trả lời về Điểm Yếu trong phỏng vấn xin việc

Cách trả lời điểm yếu trong phỏng vấn xin việc

Khi nhắc đến điểm yếu, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy e dè và ngại ngùng. Nhưng đừng lo, hãy tin rằng đó là một phần quan trọng của con người và bất kì ai trong chúng ta cũng có điểm yếu. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra điểm yếu của bản thân và khắc phục nó hay không. Bạn tin không, khi bạn thực sự cải thiện được điểm yếu của mình, có thể điểm yếu đó sẽ trở thành điểm mạnh đấy!

Chìa khóa để nói về điểm yếu là sự kết hợp của việc tự nhận thức bản thân qua những câu hỏi:

  • Điểm yếu là gì?
  • Bạn đã làm gì để cải thiện nó?
  • Sự cải thiện đó đã có tác động tích cực như thế nào đến công việc của bạn?

Ví dụ để trả lời về Điểm Yếu trong phỏng vấn xin việc

Ví dụ để trả lời về điểm yếu trong phỏng vấn xin việc

Chắc hẳn rất nhiều bạn gặp khó khăn trong việc suy nghĩ điểm yếu, thậm chí không thể gọi tên được điểm yếu của mình đúng không nào? Đừng lo, StudentJob sẽ gợi ý cho bạn những điểm yếu thường có ở mỗi người. Nhìn chung, điểm yếu sẽ bao gồm:

  • Kinh nghiệm làm việc chưa nhiều
  • Trình độ ngoại ngữ còn hạn chế
  • Tính cách hướng nội - nhút nhát, rụt rè
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề còn thiếu sót
  • Quản lý thời gian chưa thực sự hiệu quả
  • Kỹ năng tin học văn phòng chưa tốt
  • Thiếu tự tin khi nói trước đám đông

Dưới đây là một vài mẫu trả lời của câu hỏi điểm yếu phổ biến mà StudentJob muốn gợi ý cho bạn và bạn có thể áp dụng nó được trong hầu hết các vị trí công việc. 

1. Kinh nghiệm làm việc chưa nhiều

“Kinh nghiệm làm việc của tôi chưa phong phú, nhưng tôi đã tích cực học hỏi từ các chương trình học tập và những công việc thực tập. Để khắc phục điều này, tôi liên tục tham gia các khóa đào tạo và chủ động tìm kiếm phản hồi từ đồng nghiệp. Trong vị trí [Tên Vị Trí], tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội để học hỏi từ những người xung quanh, đảm bảo rằng kinh nghiệm chưa nhiều không làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.”

2. Trình độ ngoại ngữ còn hạn chế

"Trình độ tiếng Anh của tôi hiện tại còn hạn chế, đặc biệt là trong kỹ năng giao tiếp và viết. Tôi đã nhận ra điểm yếu này khi làm việc với các đối tác quốc tế. Để cải thiện, tôi đã tham gia một khóa học tiếng Anh trực tuyến và dành thời gian hàng ngày để luyện tập. Trong vị trí [Tên Vị Trí] mà tôi đang ứng tuyển, tôi biết rằng khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh là quan trọng. Vì vậy, tôi cam kết sẽ tiếp tục cải thiện kỹ năng này để có thể hiểu và truyền đạt thông tin chính xác nhất tới khách hàng.”

3. Kỹ năng tin học văn phòng chưa tốt

"Tôi nhận thức được rằng kỹ năng tin học văn phòng của mình, đặc biệt là trong Excel và PowerPoint có phần chưa tốt. Điều này trở nên rõ ràng khi tôi gặp khó khăn trong việc sử dụng các công thức phức tạp trong Excel tại công việc trước. Để khắc phục, tôi đã tham gia một khóa học trực tuyến và dành thời gian hàng tuần để thực hành và nâng cao kỹ năng tin học văn phòng của mình”

4. Thiếu tự tin khi nói trước đám đông

"Tôi khá ngại ngùng khi phải phát biểu trước đám đông. Chính vì điều này nên trước đây tôi đã không đủ tự tin để đưa ra ý kiến và khiến nhóm của mình chậm tiến độ. Để cải thiện, tôi đã tham gia một khóa học về kỹ năng thuyết trình. Đối với vị trí [Tên Vị Trí] này, tôi hiểu rằng khả năng nói trước đám đông rất quan trọng, và tôi đang nỗ lực mỗi ngày để cải thiện nó. Hiện tại, tôi đã có thể trò chuyện cùng mọi người một cách tự tin hơn. Tôi cũng trở nên chủ động hơn trong các cuộc nói chuyện.”

5. Tính cách hướng nội - nhút nhát, rụt rè

“Tính cách hướng nội của tôi đôi khi khiến tôi nhút nhát và rụt rè trong giao tiếp tại nơi làm việc. Tuy nhiên, tôi đã và đang học cách mở lòng hơn để tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận. Hiện tại, tôi đã có phần chủ động hơn trong việc tạo dựng mối quan hệ và tham gia các cuộc họp, đồng thời tiếp tục phát triển kỹ năng giao tiếp của mình.”

Lời kết

Khi tham gia phỏng vấn xin việc, việc trình bày rõ ràng về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân không chỉ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về khả năng và phong cách làm việc của bạn mà còn phản ánh sự tự nhận thức và khả năng quan sát của mỗi cá nhân.

Do đó, hãy coi việc trình bày Điểm Mạnh và Điểm Yếu trong phỏng vấn là cơ hội để thể hiện sự chân thực, chuyên nghiệp và sẵn sàng phát triển của bản thân. Bởi nó là những yếu tố quan trọng mà bất kỳ nhà tuyển dụng cũng muốn tìm thấy ở ứng viên của họ. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số bài viết về mẹo phỏng vấn của StudentJob để có một buổi phỏng vấn thật thành công nhé!

Bài viết liên quan

TOP 20 câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất và cách trả lời
Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể biết chính xác những câu hỏi mà nhà tuyển dụng hỏi trong buổi phỏng vấn phải không? Thế nhưng, StudentJob không thể đọc được suy nghĩ của người khác, nhưng chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn giải pháp tốt nhất, đó là danh sách 20 câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất và câu trả lời, cùng với lời khuyên về cách đưa ra câu trả lời của riêng bạn.
Bí quyết viết CV ấn tượng, thu hút nhà tuyển dụng
Curriculum Vitae (CV) là một công cụ quan trọng giúp chúng ta trình bày kỹ năng, kinh nghiệm và học vấn của mình khi tìm kiếm cơ hội việc làm. Một CV chất lượng giúp bạn nổi bật trong đám đông, tăng khả năng được mời phỏng vấn và nhận công việc mơ ước. Trong bài viết này, StudentJob sẽ cùng bạn khám phá bí quyết viết một CV ấn tượng, thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng nhé.
Chìa khóa thành công: Ngôn ngữ cơ thể khi phỏng vấn
Ngôn ngữ cơ thể trong buổi phỏng vấn đóng một vai trò quan trọng như những gì bạn nói. Ngôn ngữ cơ thể giúp nhà tuyển dụng hiểu biết bạn là ai và bạn thực sự đang nghĩ gì. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giao tiếp phi ngôn ngữ có ảnh hưởng lớn trong cách bạn truyền đạt và thể hiện bản thân. Vì vậy ngôn ngữ cơ thể có tác động đáng kể đến cơ hội thành công của bạn. Cùng StudentJob tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể và cách bạn nên vận dụng nó vào trong các buổi phỏng vấn của mình.