Bí quyết viết CV ấn tượng, thu hút nhà tuyển dụng
Mẹo phỏng vấn
Mục lục
1. Tiêu đề CV
Tiêu đề cho nhà tuyển dụng thấy bạn có đang thực sự nhắm đến vị trí công việc hay không
Tiêu đề CV là phần đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhìn thấy, vì vậy nó rất quan trọng trong việc tạo ấn tượng ban đầu. Một tiêu đề CV ngắn gọn và súc tích sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nắm bắt được thông tin về bạn là ai và bạn muốn ứng tuyển vị trí nào.
Tiêu đề CV xin việc nên bao gồm các thông tin sau:
- Tên của bạn: Giúp nhà tuyển dụng dễ dàng tìm thấy CV của bạn trong số các CV khác.
- Vị trí ứng tuyển: Đây là thông tin quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng cần biết. Tiêu đề CV nên nêu rõ bạn ứng tuyển vị trí nào.
Ví dụ về cách viết tiêu đề trong CV:
- Nguyễn Văn An - Thực tập sinh Marketing
- Phạm Thành Công - Business Analyst
- Nguyễn Quốc Đại - Customer Service
2. Thông tin cá nhân trong CV
Thông tin cá nhân là phần giúp nhà tuyển dụng xác định được bạn là ai và có thể liên hệ với bạn như thế nào.
Thông tin cá nhân cần được cung cấp đầy đủ và chính xác:
- Họ tên: Họ tên cần viết hoa chữ cái đầu tiên, viết đúng chính tả. Dùng tên chính thức trong CMND/CCCD, không sử dụng biệt danh, tên gọi khác.
- Ngày tháng năm sinh: Ngày tháng năm sinh cần viết theo đúng định dạng ngày/tháng/năm.
- Địa chỉ: Địa chỉ cần viết đầy đủ, bao gồm tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, số nhà, đường phố.
- Số điện thoại: Số điện thoại di động của bạn, có thể liên hệ được 24/7 hoặc ít nhất là trong giờ hành chính để có thể nhận được cuộc gọi của nhà tuyển dụng.
- Email: Địa chỉ email chính thức của bạn, có thể sử dụng để nhận email và tài liệu từ nhà tuyển dụng. Sử dụng một địa chỉ email chuyên nghiệp và dễ nhớ. Trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm viết email, hãy tham khảo thêm về Cách viết Email xin việc và Mẫu Email chuyên nghiệp của chúng tôi.
- Tài khoản mạng xã hội: Như Facebook hoặc Linkedin.
Ví dụ về cách viết thông tin cá nhân trong CV:
- Họ tên: Nguyễn Quốc Đại
- Ngày tháng năm sinh: 06/09/1996
- Địa chỉ: Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội (hoặc nếu bạn làm remote cho một công ty nước ngoài thì hãy ghi là: Vinhomes Ocean Park, Gia Lam, Hanoi, Vietnam)
- Số điện thoại: 08885059**
- Email: [email protected]
- Tài khoản mạng xã hội: https://www.facebook.com/dainq0609
Trên đây chỉ là ví dụ về một mẫu thông tin cá nhân cơ bản, bạn có thể dựa vào đó để viết thông tin cá nhân của bạn sao cho phù hợp, đầy đủ và chính xác thông tin.
3. Mục tiêu nghề nghiệp trong CV
Mục tiêu nghề nghiệp thể hiện suy nghĩ của bạn về công việc và chính bản thân bạn
Mục tiêu nghề nghiệp nên ngắn gọn và rõ ràng, thể hiện mong muốn và định hướng nghề nghiệp của bạn, không nên quá dài dòng hoặc sáo rỗng.
Khi viết mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần lưu ý các vấn đề sau:
- Thể hiện mong muốn và định hướng nghề nghiệp của bạn: Mục tiêu nghề nghiệp cần thể hiện rõ ràng mong muốn và định hướng nghề nghiệp của bạn. Bạn muốn làm gì trong tương lai? Bạn muốn đạt được những gì trong sự nghiệp của mình?
- Liên quan đến vị trí ứng tuyển: Mục tiêu nghề nghiệp cần liên quan đến vị trí ứng tuyển. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không.
- Cụ thể và đo lường được: Mục tiêu nghề nghiệp nên được cụ thể và có thể đo lường. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi và đạt được mục tiêu của mình. Có thể là sự phát triển trong lĩnh vực chuyên môn, đạt được một vị trí quản lý, hoặc tham gia vào dự án cụ thể.
Sau đây là một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình để hiểu rõ hơn về mục tiêu nghề nghiệp bạn muốn cho nhà tuyển dụng thấy:
- Mục tiêu dài hạn của bạn là gì?
- Bạn nhìn thấy mình là ai trong năm năm?
- Tham vọng của bạn là gì?
- Bạn thấy mình sẽ làm gì trong tương lai?
- Bạn đang tìm kiếm điều gì ở vị trí mới?
- Bạn hy vọng đạt được điều gì trong vai trò tiếp theo của mình?
- Công việc này phù hợp với kế hoạch nghề nghiệp của bạn như thế nào?
Ví dụ khi viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV dựa trên kinh nghiệm:
Đối với người chưa có kinh nghiệm hoặc có kinh nghiệm ít hơn 1 năm thì bạn có thể viết mục tiêu nghề nghiệp hướng đến việc học hỏi từ doanh nghiệp, qua đó cố gắng để đóng góp và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp như:
"Mục tiêu nghề nghiệp trong ngắn hạn của em là có thể học hỏi về sản phẩm và làm quen với môi trường của doanh nghiệp, đồng thời, tự bổ sung những kiến thức liên quan đến công việc thông qua những trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Mục tiêu dài hạn của em là trở thành một chuyên gia Marketing trong vòng 3 năm tới, có thể tự lập kế hoạch, triển khai, đo lường, đánh giá và tái lập kế hoạch Marketing cho những sự kiện tiếp theo."
Đối với người đã có kinh nghiệm từ 2 năm, mục tiêu nghề nghiệp bạn nên tập trung vào đóng góp cho doanh nghiệp, đồng thời bày tỏ mong muốn làm việc trong môi trường tốt như:
"Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là hoà nhập với môi trường làm việc của công ty, qua đó sử dụng những kiến thức và kỹ năng của mình có để làm tốt vai trò của mình trong vị trí Marketing Leader. Tôi mong muốn mình có thể tìm thấy những người cùng chung chí hướng trong công ty để có thể làm việc một cách hiệu quả, đạt được những phản hồi tích cực từ khách hàng và đạt được những tiêu chí mà công ty đã đề ra."
Đối với người đã có 5 năm kinh nghiệm trở lên và đang ứng tuyển vào vị trí quan trọng, mục tiêu nghề nghiệp của bạn nên là những cam đoan về kết quả khi bạn làm việc với công ty. Mục tiêu nghề nghiệp của ban cần được viết rõ ràng, cụ thể, thể hiện được tầm nhìn và khả năng của mình. Hãy cân nhắc:
- Lựa chọn mục tiêu phù hợp với vị trí ứng tuyển.
- Liệt kê các kỹ năng và kinh nghiệm liên quan một cách ngắn gọn.
- Thể hiện mục tiêu một cách rõ ràng, cụ thể thông qua kinh nghiệm đã đạt được.
Khi viết mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần lưu ý sử dụng ngôn ngữ phù hợp, tránh sử dụng ngôn ngữ hoa mỹ hoặc sáo rỗng. Bạn có thể tham khảo các mẫu mục tiêu nghề nghiệp mà chúng tôi vừa đưa ra để có thêm ý tưởng cho mục tiêu nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ điều chỉnh mục tiêu nghề nghiệp sao cho phù hợp với bản thân và vị trí ứng tuyển nhé.
4. Trình độ học vấn trong CV
Về trình độ đại học, cao đẳng. Trình độ học vấn giúp nhà tuyển dụng đánh giá được năng lực học tập và kiến thức của bạn. Trình độ học vấn nên được trình bày bao gồm các thông tin sau:
- Tên trường và chuyên ngành: Tên trường đại học hoặc cao đẳng, kèm theo chuyên ngành mà bạn đang theo học.
- Loại hình đào tạo: Bao gồm Hệ đào tạo chính quy và Hệ đào tạo không chính quy, cụ thể:
- Hệ đào tạo chính quy: Đại học chính quy, Liên thông từ cao đẳng lên đại học, Văn bằng 2.
- Hệ đào tạo không chính quy: Đào tạo từ xa, Văn bằng 1 - Vừa học vừa làm, Văn bằng 2 - Vừa học vừa làm.
- Điểm trung bình hoặc xếp loại tốt nghiệp: Thường lấy thang điểm 4 hoặc thang điểm 10.
Ví dụ về cách viết trình độ học vấn trong CV:
- Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.
- Chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế.
- Hệ chính quy, Tốt nghiệp loại Giỏi, GPA 3.4/4.
Nếu bạn còn đang là sinh viên, bạn có thể liệt kê GPA của mình tại thời điểm viết CV. Thông thường GPA sẽ phản ánh trên profile điện tử của các sinh viên, trong trường hợp bạn học tại các trường đại học hoặc cao đẳng không có profile điện tử thì bạn nên tìm đến Phòng Công tác sinh viên.
Về chứng chỉ chuyên ngành. Bạn cũng có thể liệt kê các khóa học ngắn hạn hoặc các chứng chỉ mà bạn đã học và pass. Qua đó, sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn là người có tinh thần học hỏi và cầu tiến.
Nếu bạn biết thêm ngôn ngữ nào đó, đặc biệt là những ngôn ngữ phổ biến trong ngành nghề và có cần thiết tại Việt Nam như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Pháp,... thì hãy liệt kê và làm nổi bật khả năng của bạn đối với ngôn ngữ đó trong CV của mình.
Thông qua thông tin về trình độ học vấn, nhà tuyển dụng có thể đưa ra một số đánh giá quan trọng về ứng viên như:
- Kiến thức chuyên môn: Trình độ học vấn thể hiện thông qua kiến thức chuyên môn của ứng viên trong lĩnh vực nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. Một ứng viên đã tốt nghiệp chuyên ngành Ngân hàng sẽ có cơ hội được đánh giá cao hơn so với các ứng viên khác trong vị trí Nhân viên Ngân hàng.
- Khả năng học tập: Thông qua điểm số hoặc xếp loại tốt nghiệp, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được khả năng học tập, chuyên cần và sự đầu tư vào quá trình học của ứng viên. Nếu có những điểm nổi bật trong quá trình học như việc tham gia dự án nghiên cứu, giải thưởng học thuật, hay các hoạt động ngoại khóa cũng là những điểm cộng.
- Đa dạng kỹ năng: Nếu có, những chứng chỉ và khóa học ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng cứng sẽ là là yếu tố nổi bật trong CV của ứng viên vì. Các chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngôn ngữ (TOEIC, IELTS,...), hay chứng chỉ chuyên môn cấp quốc tế (Meta Certification, Google Certification,...) có thể tăng giá trị của ứng viên trong nước và cả trong môi trường làm việc quốc tế.
- Khả năng xử lý vấn đề: Khả năng xử lý vấn đề vẫn luôn là một trong những khả năng được ưu tiên hàng đầu khi xin việc. Qua việc có những chứng chỉ và bằng cấp chuyên ngành, nhà tuyển dụng sẽ biết được bạn đã và đang cải thiện chính mình để tìm được một việc làm tốt, qua đó họ biết được bạn là người có thể giải quyết vấn đề mà bạn đang gặp phải.
Tuy nhiên, hãy lưu ý trình bày học vấn một cách có khoa học và hạn chế nêu ra những chứng chỉ hay kỹ năng không cần thiết đối với vị trí mà bạn đang ứng tuyển, nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn là một người trình bày thông tin chưa tốt.
5. Kinh nghiệm làm việc trong CV
Kinh nghiệm làm việc trong CV là yếu tố thành bại của bạn khi ứng tuyển
Kinh nghiệm làm việc là một trong những phần quan trọng nhất trong CV, giúp nhà tuyển dụng đánh giá được năng lực và kỹ năng thực tế của bạn. Kinh nghiệm làm việc nên được liệt kê theo thứ tự thời gian từ gần nhất đến xa nhất, bao gồm tên công ty, vị trí, mô tả công việc bằng những số liệu cụ thể. Trong đó, bạn nên mô tả tập trung chi tiết về nhiệm vụ cụ thể, kỹ năng sử dụng, và kết quả đạt được.
Ngoài việc mô tả những dự án, thực tập hoặc công việc liên quan đến ngành nghề của bạn, bạn nên nêu rõ về kỹ năng và công nghệ bạn đã áp dụng trong các dự án. Đây là một phần quan trọng để thể hiện sự chuyên sâu và khả năng áp dụng kiến thức của bạn. Cần tập trung vào các kỹ năng đã đạt được, chẳng hạn như giao tiếp, quản lý thời gian, dịch vụ khách hàng và trách nhiệm. Đồng thời cung cấp các ví dụ cụ thể về kinh nghiệm làm việc của bạn đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp.
Sau cùng, mục đích của việc liệt kê những dự án, thực tập hoặc công việc là minh chứng rằng các trải nghiệm đã giúp bạn trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Những kinh nghiệm này sẽ là nền tảng vững chắc giúp bạn phát triển bản thân và thành công trong sự nghiệp tại công ty mình đang ứng tuyển.
Ví dụ về cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV:
Tên công ty: Công ty cổ phần công nghệ Hoàng Duyên
Thời gian làm việc: 03/2021 - 03/2023
Vị trí: Nhân viên Kinh doanh phần mềm Kế toán
Mô tả công việc:
- Tìm hiểu, sử dung sản phẩm của công ty.
- Viết các bài review sản phẩm, tăng tương tác của khách hàng.
- Tìm kiếm khách hàng tiềm năng thông qua phương tiện truyền thông.
- Tiếp nhận data từ bộ phận Marketing và liên hệ với khách hàng.
- Tư vấn và thuyết phục khách hàng mua hàng, sử dụng dịch vụ.
- Chăm sóc khách hàng sau khi bán hàng.
- Kết hợp cùng các phòng ban khác để tăng trải nghiệm của khách hàng.
Thành tích đạt được:
- Chào bán thành công hơn 2.000 đơn hàng trong 2 năm.
- Thu được 1000+ đánh giá tốt của khách hàng trên các nền tảng review sản phẩm, công ty.
- Hoàn thành tốt KPI hàng tháng, hàng quý trong toàn bộ thời gian làm việc tại công ty.
- Liên hệ và hợp tác với hơn 7 đơn vị đối tác để quảng bá sản phẩm của công ty.
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường hoặc chưa có kinh nghiệm làm việc, bạn có thể xem xét liệt kê ra những thông tin mà có thể thay thế kinh nghiệm làm việc như:
- Chuyên đề thực tế/Nghiên cứu khoa học tại trường đại học. Nhóm của bạn làm về chuyên đề gì (nên liên quan đến vị trí ứng tuyển), bạn đã đóng góp gì trong chuyên đề này (nên là những đóng góp quan trọng mang tầm vĩ mô như cách thức thu thập và xử lý thông tin để đưa ra kết luận, hoặc là đóng góp về việc làm bố cục, slide của chuyên đề), giải pháp mà bạn đưa ra đã giúp ích cho đối tượng nghiên cứu như thế nào,...
- Quá trình làm việc part-time tại doanh nghiệp. Mô tả công việc bạn phải làm, những kinh nghiệm bạn học được, thành tính bạn đóng góp cho doanh nghiệp,...
- Quá trình thực tập tại công ty khác. Mô tả công việc bạn phải làm, những kỹ năng chuyên môn bạn học được, những kỹ năng mềm bạn đã phát triển được, những công cụ bạn đã được sử dụng trong khi thực tập,... nếu quên, bạn có thể dựa vào báo cáo thực tập đã làm để dựa vào.
- Quá trình học chứng chỉ chuyên môn. Mô tả những kiến thức bạn học được thông qua các bài giảng, nêu ra các bài kiểm tra thực tế bạn đã phải làm gì, bạn đạt được chứng chỉ loại nào (A/B/C hoặc là Trung Bình/Khá/Tốt).
Những thông tin trên có thể thay thế kinh nghiệm làm việc của bạn khi bạn ứng tuyển vào một vị trí không yêu cầu kinh nghiệm. Chính vì vậy, ngay từ khi bước vào cánh cửa đại học, bạn hãy cố gắng chuẩn bị tinh thần và môi trường tốt nhất để phát triển bản thân nhé.
6. Kỹ năng trong CV
Kỹ năng nên được chia thành hai phần để nhà tuyển dụng dễ dàng nắm bắt: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
Kỹ năng cứng là những kỹ năng chuyên môn, liên quan đến công việc hoặc ngành nghề cụ thể, đây cũng là những kỹ năng làm nổi bật ứng viên khi nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành.
Kỹ năng mềm là những kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Những kỹ năng quan trọng được những nhà tuyển dụng đánh giá cao thường là:
- Kỹ năng lãnh đạo.
- Kỹ năng làm việc nhóm.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng tư duy phản biện.
- Và một số kỹ năng liên quan đến tự nghiên cứu, tự học.
Cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm đều quan trọng đối với sự thành công trong công việc và bổ trợ lẫn nhau. Trong CV, bạn nên làm nổi bật bất kỳ kỹ năng cụ thể mà vị trí đó yêu cầu. Không nên đưa ra những kỹ năng không liên quan đến vị trí ứng tuyển. Hãy để StudentJob lấy cho bạn một ví dụ về cách viết kỹ năng của một Marketing Leader nhé.
Ví dụ về cách viết kỹ năng cứng và kỹ năng mềm trong CV:
Kỹ năng cứng | Kỹ năng mềm |
Nghiên cứu và Phân tích. Nghiên cứu và Phân tích thị trường, khách hàng, đối thủ. |
Kỹ năng lãnh đạo. Quản lý đội nhóm, phân công việc làm, đánh giá kết quả. |
Social Media Management. Quản lý nội dung, thời gian đăng bài, tương tác của doanh nghiệp đối với khách hàng. |
Kỹ năng làm việc nhóm. Làm việc với các phòng ban khác và tổng hợp thông tin đến đội nhóm. |
Social Media Advertising. Quản lý các kênh quảng cáo, tối ưu hoá nội dung, từ khoá, giảm chi phí PPC, tăng tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng. |
Kỹ năng tư duy phản biện. Khả năng xác định những thông tin chính xác, chính thống, loại bỏ thông tin sai lệch. |
Customer Relationship Management. Quản lý tệp khách hàng. Lên kế hoạch chăm sóc, gọi điện, thương thảo, gặp mặt, nội dung ngày lễ tết,... phù hợp với tệp khách hàng. |
Kỹ năng quản lý thời gian. Phân chia các nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch dựa trên các yếu tố quan trọng, đảm bảo tiến độ của đội nhóm. |
Marketing Tools. Thành thạo Google Search Console, Google Analytics, Facebook Insight, Mailchimp, Ahrefs, SEMrush, Canva. |
Kỹ năng Giải quyết vấn đề. Khả năng xác định vấn đề, đánh giá, giải quyết để đạt kết quả tối ưu. |
Thương thảo và Giao tiếp. Thương thảo và Giao tiếp với những khách hàng quan trọng, mang tính chiến lược về hợp tác, đầu tư. |
Kỹ năng tự học. Khả năng học tập sử dụng các công cụ và kiến thức mới, thích ứng với thay đổi của ngành. |
Bảng: Cách viết kỹ năng cứng và kỹ năng mềm trong CV của Marketing Leader
Bạn có thể thấy ở bảng trên, những kỹ năng mà chúng tôi đưa ra đều rất cần thiết cho một Marketing Leader, ngoài ra, bạn cũng nên mô tả ngắn về kỹ năng đó bao gồm những gì, giúp bạn làm được gì,... như vậy nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng hơn với CV và hiểu rõ hơn về khả năng của bạn.
7. Hoạt động ngoại khóa trong CV
Hoạt động ngoại liệu có quan trọng trong CV xin việc không?
Cách viết về hoạt động ngoại khóa có thể được đơn giản hóa theo cách khá cơ bản. Thay vì phải mô tả chi tiết và dài dòng, bạn chỉ cần tóm tắt ngắn gọn về những hoạt động ngoại khóa mà bạn đã tham gia. Tuy nhiên, đối với mục hoạt động ngoại khóa trong CV, nên chú ý đến việc tập trung vào những hoạt động mang lại giá trị xã hội.
Tránh việc liệt kê những hoạt động cá nhân không quan trọng không có liên quan đến môi trường làm việc tập thể. Thay vào đó, tập trung mô tả những hoạt động như tham gia nếu có như:
- Hội học sinh.
- Giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao.
- Đội thanh niên xung kích.
- Hiến máu nhân đạo.
- Dự án thiện nguyện.
Những hoạt động này có thể cho nhà tuyển dụng thấy được bạn là người hoà nhập với cộng đồng, tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Bạn có thể tự hỏi vì sao doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ với mục đích cuối cùng là kiếm tiền lại quan tâm đến những hoạt động tình nguyện của các ứng viên thì câu trả lời có thể là:
- Các ứng viên tham gia hoạt động tình nguyện thường sẽ rất nhiệt huyết trong công việc.
- Các doanh nghiệp cũng có bộ phận nhân sự làm tình nguyện, thường là để làm marketing, cho người dân thấy được doanh nghiệp đang đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với hoạt động tình nguyện và ngoại khoá không phải lúc nào cũng cao. Điều này cũng không phải là yếu tố bắt buộc trong CV, vì vậy bạn có thể chọn viết vào CV hoặc không tùy thuộc vào việc bạn có tham gia các hoạt động ngoại khoá và liệu bạn muốn đề cập đến chúng hay không.
8. Giải thưởng và thành tích trong CV
Giải thưởng và thành tích là một mục quan trọng mà một CV tiêu chuẩn cần có. Nếu bạn là sinh viên, mới ra trường và chưa có kinh nghiệm làm việc thì bạn có thể không đề cập đến phần này. Đối với người đã có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm làm việc, các bạn nên nêu ra trong CV những giải thường và thành tích bạn đã đạt được trong công việc.
Vì sao chúng ta phải nêu ra giải thưởng và thành tích? Câu trả lời là thông qua mục này, nhà tuyển dụng sẽ biết được những thông tin quan trọng, có thể kể đến những thông tin cơ bản sau:
- Khả năng và năng lực của ứng viên.
- Thái độ và tinh thần làm việc của ứng viên.
- Khả năng thích ứng và giải quyết vấn đề của ứng viên.
Vậy, chúng ta nên đưa ra giải thưởng và thành tích như thế nào? Hãy đặt bản thân vào nhà tuyển dụng, họ không muốn đọc tên những giải thưởng mà công ty đặt cho ứng viên mà không hề có một thông tin nào về chúng, nói cách khác thì ở mục này bạn chỉ nên đề cập 5 - 10% về tên giải thường và 90 - 95% là thành tích của bạn tại công ty cũ.
Hãy tránh viết mục giải thưởng và thành tích chung chung như:
- Giải nhân viên xuất sắc của năm.
- Giải nhân viên nhiệt huyết.
- Giải kim cương.
- Và những giải thưởng mơ hồ tương tự khác.
Hãy viết về thành tích nổi bật mà bạn đã mang lại cho công ty, ví dụ về cách viết thành tích:
- Trường hợp bạn là một Customer Service:
- Giải quyết vấn đề của khách hàng. Giải quyết các vấn đề của 50 khách tồn đọng và đạt được 50/50 đánh giá 5* về dịch vụ khách hàng trên TrustPilot/Consumer Reports.
- Tạo dựng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Nhận về hơn 30 đánh giá 5* trên Google Maps về dịch vụ khách hàng. Liên hệ, giải quyết vấn đề và cải thiện đánh giá của 80 khách hàng cũ.
- Trường hợp bạn là một Social Media Advertising (a.k.a nhân viên chạy ads):
- Giảm chí phí PPC. Giảm 30% chi phí PPC trên nền tảng Facebook thông qua việc nghiên cứu và chọn tệp đối tượng chính xác hơn.
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi. Tăng 15% tỷ lệ chuyển đổi thông qua việc tối ưu từ khoá và thiết kế sản phẩm quảng cáo đẹp mắt.
- Trường hợp bạn là một SEO Specialist (Chuyên gia tối ưu hoá công cụ tìm kiếm):
- Giảm 30% tỷ lệ thoát trên trang. Tăng thời gian người dùng tương tác thông qua những chiến lược cải thiện và tối ưu hành vi người dùng trên trang.
- Tăng 20% tỷ lệ chuyển đổi đến từ organic traffic. Tối ưu từ khoá không phải trả tiền bằng cách sản xuất những nội dung liên quan đến sản phẩm, đem lại giá trị cho người đọc, tăng tính thương hiệu và độ tin tưởng của khách hàng đến với thương hiệu. (và vì vậy họ sẽ tin tưởng để mua hàng nhiều hơn)
Trên đây chỉ là một vài ví dụ mà StudentJob đem đến cho bạn đọc, mục đích là để chúng ta làm rõ rằng nhà tuyển dụng quan tâm đến khả năng và năng lực chứ không phải những "title" sáo rỗng. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng không nên liệt kê toàn bộ giải thưởng mà bạn đã có được trong CV xin việc. Bạn có thể làm điều đó ở những profile như trên Linkedin, Facebook, X,... nhưng đối với CV xin việc, hãy chỉ liệt kê những giải thưởng liên quan đến công việc bạn đang muốn nhắm tới.
Bằng cách làm theo Bí quyết viết CV gây ấn tượng, thu hút nhà tuyển dụng trên, bạn có thể tạo một CV nổi bật thể hiện những kinh nghiệm và phẩm chất độc đáo của mình. Hãy nhớ điều chỉnh CV cho phù hợp với từng vị trí mà bạn đang ứng tuyển, nêu bật những khía cạnh phù hợp với yêu cầu và mong muốn cụ thể của công ty, và đừng quên cập nhật CV thường xuyên nhé. Chúc bạn thành công tìm được công việc mơ ước.