Cách chọn trường đại học phù hợp: 5 Yếu tố ảnh hưởng

16/01/2024 10:49
Hành trang sinh viên
Việc tìm kiếm trường đại học phù hợp với bản thân vừa là một lựa chọn khó nhằn vừa là một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Với số lượng lớn trường đại học hiện nay, thật khó để xác định ngôi trường nào sẽ đáp ứng tốt nhất sở thích, nhu cầu và mục tiêu trong tương lai của bạn.

Mục lục

Dù bạn là một học sinh trung học mới bắt đầu tìm kiếm trường đại học hay là một người trưởng thành có mong muốn quay lại trường học, điều quan trọng là bạn phải dành thời gian để nghiên cứu và tìm ra lựa chọn phù hợp nhất với mình. Trường đại học bạn chọn sẽ có tác động đáng kể đến cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp tương lai của bạn, vì vậy hãy dành thời gian để xem xét cẩn thận các lựa chọn để đạt được kết quả mong muốn.

Trong bài viết này, cùng StudentJob khám phá những tiêu chí và cách chọn trường đại học phù hợp để giúp bạn có được sự lựa chọn tốt nhất.

1. Xác định sở thích và khả năng của bản thân

1. Xác định sở thích và khả năng của bản thân

Điều đầu tiên cần làm là xác định sở thích và khả năng của bản thân. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi và note câu trả lời sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng:

  • Bạn muốn học thêm về kiến thức gì?
  • Bạn có những năng khiếu gì muốn cải thiện?
  • Bạn có thể học tốt những môn nào, là môn học về tự nhiên (Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học) hay xã hội (Văn học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân)?

Đồng thời xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của bạn, bạn muốn trở thành ai trong tương lai? Điều này sẽ giúp bạn chọn trường có chương trình đào tạo phù hợp với sự hứng thú và kỹ năng cá nhân

Xác định sở thích và mục tiêu là bước đầu tiên hợp lý trong quá trình lựa chọn trường đại học. Dành thời gian để suy ngẫm về những gì bạn đang tìm kiếm ở một trường đại học và xem xét các yếu tố khác nhau sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Những yếu tố này có thể bao gồm vị trí, quy mô, chương trình cung cấp, văn hóa khuôn viên trường và chi phí, cùng nhiều yếu tố khác.

Khi đã xác định được sở thích và khả năng của bản thân, bạn sẽ thu hẹp phạm vi tìm kiếm trường đại học. Bạn nên tìm hiểu về các trường đại học có đào tạo ngành học mà bạn yêu thích.

Ngoài ra, bạn nên tìm kiếm lời khuyên và hướng dẫn của những người bạn tin tưởng hoặc hiểu biết về chuyên ngành bạn hứng thú. Những người đó có thể là thành viên trong gia đình, giáo viên và người đã từng trải nghiệm lĩnh vực mà bạn quan tâm. Những người có hiểu biết sâu sắc có thể giúp bạn đưa ra quyết định đầy thuyết phục về trường đại học nào phù hợp với bạn. Và đừng quên, cảm ơn họ một cách chân thành sau khi hỏi nhé, cũng nên cho họ biết rằng những lời khuyên của họ giúp ích cho bạn rất nhiều.

2. Xem xét khả năng tài chính của bạn

2. Xem xét khả năng tài chính của bạn

Cân nhắc về khả năng tài chính của bạn bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

  • Học phí trường đại học đó là bao nhiêu? Học phí sẽ tính theo tín chỉ hay theo kỳ học cố định? Bố mẹ bạn có thể hỗ trợ bao nhiêu phần trăm tiền học phí?
  • Các chi phí như ăn ở, đi lại bạn sẽ chi trả như thế nào? Bố mẹ có hỗ trợ vào những tháng đầu tiên khi chưa tìm được việc part-time hay không?
  • Các phương thức khác như học bổng, vay vốn, hoặc việc làm part-time có thể giúp đỡ được bạn bao nhiêu?

Trước hết, hãy cùng điểm qua những khoản hỗ trợ tài chính bạn có thể sử dụng trong khi học đại hoc:

Học bổng đại học 

Học bổng được cung cấp dựa trên thành tích học tập của sinh viên, bao gồm điểm trung bình chung (GPA), xếp loại học tập và điểm rèn luyện. Ngoài ra còn loại học bổng dựa vào hoàn cảnh khó khăn của sinh viên như mồ côi cha mẹ, khuyết tật, dân tộc thiểu số,… đây là các cá nhân cần hỗ trợ tài chính để học tập. 

Mức học bổng có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường đại học, nhưng nhìn chung khoản học bổng các bạn sinh viên nhận được dao động từ 50-100% học phí. Ngoài ra, một số trường có chính sách học bổng từ đối tác hợp tác là các tổ chức, doanh nghiệp, hoặc trường đại học khác.

Bạn có thể săn học bổng trước khi vào đại học thông qua các bài thi đầu vào, nếu bạn không có học bổng đầu vào thì đạt GPA cao trong mỗi kỳ và xếp loại rèn luyện tốt sẽ tăng khả năng bạn được học bổng nhiều hơn.

Vay vốn cho sinh viên 

Vay vốn cho sinh viên là một chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ trang trải chi phí học tập. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Quyết định 05/2022/QĐ-TTg, mức chi phí hỗ trợ theo gói vay sinh viên của Chính phủ là 4.000.000 VNĐ/tháng/sinh viên. Mỗi năm, sinh viên được vay vốn trong 10 tháng, tương đương là 40.000.000 VNĐ/năm/sinh viên.

Về thời hạn phải trả và quy định trả trước hạn trong Quyết định 05/2022/QĐ-TTg có đề cập: "Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn"

Về lãi vay, căn cứ theo Khoản 1 Điều 1 Quyết định 750/QĐ-TTg thì "Lãi suất cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm là 6,6%/năm tương đương với 0,55%/tháng."

Đây là một khoản hỗ trợ tài chính đầy ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích cho cả sinh viên và xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý là sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải trả nợ vay vốn. Nếu sinh viên không có việc làm ổn định, họ có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ và cân bằng cuộc sống.

Công việc làm thêm

Thu nhập từ công việc làm thêm có thể giúp sinh viên chi trả một số chi phí cơ bản, đồng thời bổ sung kinh nghiệm thực tế, phát triển kỹ năng mềm. Mức thu nhập từ công việc làm thêm có thể khác nhau tùy thuộc vào loại công việc, thời gian làm việc, và năng lực của sinh viên. Nhìn chung, mức thu nhập từ công việc làm thêm của sinh viên thường dao động từ 2,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Dưới đây là một số công việc làm thêm phổ biến cho sinh viên:

  • Nhân viên bán hàng hoặc thu ngân: Làm việc trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị, hay nhà hàng là một cách phổ biến để sinh viên kiếm thêm thu nhập. Công việc có thể bao gồm phục vụ khách hàng, sắp xếp hàng hóa, thanh toán, trả lại tiền thừa cho khách,…
  • Giao hàng đồ ăn: Nhiều bạn sinh viên tranh thủ thời gian rảnh giữa các ca học và buổi tối để nhận giao đồ ăn cho các ứng dụng như GrabFood, Be, Now, hay ShopeeFood. 
  • Gia sư: Đây là công việc làm thêm phổ biến nhất dành cho sinh viên. Bạn có thể dạy kèm cho học sinh cấp dưới hoặc sinh viên khác. Nếu bạn có tiếng Anh thì bạn có thể ứng tuyển gia sư tiếng Anh với mức thu nhập cao hơn những công việc part-time tại nhà hàng nhiều lần.
  • Làm việc online: Tìm các công việc trực tuyến như viết nội dung, thiết kế đồ họa, hay làm các dự án nhỏ trên các nền tảng như Fiverr, Upwork, Freelancer.
  • Thực tập hoặc công việc liên quan đến ngành học: Nếu có thể, hãy tìm kiếm các cơ hội thực tập hoặc công việc liên quan đến ngành học của bạn. Điều này không chỉ mang lại thu nhập mà còn cung cấp trải nghiệm quan trọng cho sự phát triển nghề nghiệp sau này.

Theo cách nhìn thông thường, trường đại học có học phí thấp hơn là một trong những sự lựa chọn đáng cân nhắc, tuy nhiên ta cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh.

Một số trường đại học có mức học phí cao có thể cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính, học bổng và các yếu tố khác giúp bạn trang trải chi phí và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Ở Việt Nam cũng có nhiều trường đại học lớn có học bổng toàn phần hoặc một phần như:

Mặt khác, một số trường đại học có mức học phí thấp nhưng lại đem đến ít cơ hội được học tập và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên. Mặc dù bạn có thể tiết kiệm được học phí nhưng sẽ bỏ lỡ môi trường phát triển tốt, sự hỗ trợ về cơ sở vật chất và cơ hội để khiến trải nghiệm đại học trở nên phong phú và có giá trị hơn.

Vì vậy, điều quan trọng là phải cân nhắc tổng chi phí học tập của bạn so với những gì mỗi trường đại học cung cấp về môi trường, cơ hội phát triển và hỗ trợ về cơ sở vật chất.

3. Nghiên cứu về các trường đại học

3. Nghiên cứu về các trường đại học

Một cách để tìm hiểu về các trường đại học là sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin trên những trang mạng trực tuyến. Như Google có thể giúp bạn so sánh các trường đại học dựa trên nhiều yếu tố như vị trí, quy mô, chương trình học và chi phí, hiện tại những AI thông minh như Google Bard (thuộc sở hữu của Google) và Bing AI (thuộc sở hữu của Microsoft) cũng có thể làm được điều tương tự.

Bạn cũng có thể sử dụng Google để tìm hiểu thêm về văn hóa trong khuôn viên trường cũng như các hoạt động học thuật và ngoại khóa của mỗi trường. Khi đã có danh sách các trường đại học phù hợp, bạn cần tìm hiểu kỹ về từng trường. Bạn nên tìm hiểu về các thông tin sau:

  • Chất lượng đào tạo: Trường đại học có chất lượng đào tạo tốt hay không? Đội ngũ giảng viên có giỏi không? Chương trình đào tạo có phù hợp với bạn không?
  • Môi trường học tập: Môi trường học tập của trường đại học như thế nào? Bạn có thấy mình phù hợp với môi trường đó không?
  • Cơ hội nghề nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc gì? Trường đại học có hỗ trợ sinh viên tìm việc làm sau khi tốt nghiệp không?

Bạn có thể tìm hiểu thông tin về các trường đại học trên website của trường, các trang web tuyển sinh, hoặc tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè, thầy cô để hiểu rõ hơn về trường đại học bạn đang có ý định ứng tuyển vào.

4. Tham quan trường đại học

Nếu có thể, bạn nên trực tiếp đi tham quan các trường đại học. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về trường đại học và đưa ra quyết định xem trường đại học có phù hợp với bạn hay không. Khi tham quan trường đại học, bạn nên chú ý đến những điều sau:

Môi trường học tập thực tế

4. Tham quan trường đại học

Mặc dù thông tin trực tuyến có thể cung cấp một cái nhìn tổng quan về trường đại học, nhưng việc tham quan môi trường là cơ hội để bạn "đắm chìm" vào cuộc sống sinh viên thực tế và đưa ra quyết định chính xác hơn về việc liệu môi trường này có phù hợp với bản thân hay không.

Trải nghiệm thực tế đôi khi có thể phản ánh đúng những thông tin từ các trang mạng trực tuyến, đồng thời mang lại những khám phá mới và hiểu biết sâu rộng về môi trường đại học.

Khi tham quan trường, bạn thường sẽ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với cơ sở vật chất, thư viện, phòng học, và các khu vực quan trọng khác của trường. Việc tham quan còn mang lại cơ hội để gặp gỡ giảng viên, đàm thoại với sinh viên, và thậm chí tham gia vào các buổi hướng dẫn hay sự kiện tuyển sinh.

Cơ sở vật chất

Tham quan trường đại học là một trải nghiệm hết sức quan trọng để đánh giá cơ sở vật chất của trường, xem xét chúng có đầy đủ và hiện đại như thông tin trực tuyến mô tả hay không. 

Một trong những địa điểm quan trọng là thư viện, nơi sinh viên thường xuyên đến để nghiên cứu, học tập. Sự hiện đại và đầy đủ của thư viện có thể được đánh giá qua số lượng sách, tài liệu, phòng đọc cũng như các nguồn tư liệu trực tuyến. Ngoài ra, việc kiểm tra các phòng học, phòng thí nghiệm, và cơ sở vật chất khác giúp sinh viên có cái nhìn chân thực về môi trường học tập.

Hệ thống công nghệ và Internet cũng là một yếu tố quan trọng. Sinh viên thường có nhu cầu về kết nối Internet, sự hiện đại của phòng máy tính, và cách mà công nghệ được tích hợp vào quá trình giảng dạy và học tập.

Các khu vực giải trí và thể dục sẽ đảm bảo cuộc sống sinh viên đầy đủ, đa dạng. Sinh viên thường có sự quan tâm đặc biệt đối với sân thể thao, nhà ăn, vườn hoa,... Những khu vực này không chỉ là nơi sinh viên có thể thư giãn sau những giờ học căng thẳng, mà còn tạo ra môi trường để gặp gỡ và tương tác xã hội.

Vị trí của trường đại học

Vị trí của trường đại học có thể tác động đến cuộc sống sinh viên theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:

Chi phí sinh hoạt: Những trường đại học ở ngoại thành chi phí trọ, điện, nước thường sẽ thấp hơn những khu vực nội thành, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tình trạng này tuy đã được nhắc đến nhiều và đã có hướng giải quyết là chuyển những trường đại học ra ngoại thành để giảm bớt chi phí và tình trạng tắc đường nhưng hiện tại có rất ít trường làm được điều đó. 

Nếu bạn thuê trọ quá xa nơi học thì cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí xăng xe trong trường hợp bạn đi xe máy, xe đạp. Nếu bạn đi xe bus thì chi phí sẽ thấp hơn nhưng thời gian di chuyển từ phòng trọ đến trường có thể mất 1-2 tiếng, như vậy cũng đánh mất những chi phí cơ hội trong ngày.

Môi trường học tập: Môi trường học tập của các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ tốt hơn những trường đại học ở các thành phố như Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng,... vì những giảng viên được cho là nhiều kinh nghiệm hơn thì thường sống ở những thành phố lớn - lưu ý rằng phát biểu này chỉ đúng khi so sánh theo quy mô lớn.

Về những trang thiết bị thì các trường đại học tại 2 TP lớn cũng sẽ được ưu tiên hơn, đối với những ngành học như marketing, quản trị, ngân hàng,... cơ hội học tập và phát triển ở những thành phố lớn cũng cao hơn do đáp ứng được nhu cầu thực tập của sinh viên. Từ đó, có thể thấy được cơ hội việc làm của những trường đại học tại thành phố cũng cao hơn.

5. So sánh các trường đại học

5. So sánh các trường đại học

Sau khi đã tìm hiểu, bạn nên so sánh các trường đại học với nhau. So sánh này sẽ làm rõ những đặc điểm quan trọng và đưa ra cái nhìn toàn diện về sự khác biệt giữa các trường. Sự khác biệt có thể bắt nguồn từ chất lượng giáo dục đến vị trí địa lý, từ cơ sở vật chất đến cơ hội nghề nghiệp.

Bạn có thể xác định rõ ràng những điểm tốt, đặc biệt hay điểm chưa tốt của mỗi trường đại học. Nhờ vào những tìm hiểu kỹ lưỡng trước kia, bạn sẽ đưa ra quyết định dựa trên thông tin chính xác và chi tiết. Việc so sánh giúp bạn đảm bảo rằng trường đại học được chọn đáp ứng được mục tiêu và ước mơ cá nhân của bạn, đồng thời cung cấp môi trường học tập phù hợp để phát triển trong quá trình học.

Trong trường hợp bạn không thể tìm kiếm thấy trường đại học phù hợp với bạn sau khi đánh giá những tiêu chí chúng tôi đã nêu, bạn có thể cân nhắc đi du học. Chúng tôi có một bài viết phân tích chi tiết về việc lựa chọn đại học hay đi du học bạn có thể tham khảo.

Kết luận

Trên đây là cách chọn trường đại học phù hợp cho sinh viên mà StudentJob đã mách bạn. Qua việc xác định những gì bạn đang tìm kiếm, nghiên cứu sở thích bản thân, xem xét khả năng tài chính, tham quan các trường đại học, nghiên cứu thông tin và tìm kiếm lời khuyên từ những cá nhân đáng tin cậy, bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn và tìm được trường đại học đáp ứng tốt nhất nhu cầu, mục tiêu của bạn. Nhớ rằng việc chọn trường đại học là một quyết định quan trọng, vì vậy bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. 

Bài viết liên quan

Du học Na Uy: Chi phí, Điều kiện, Visa và Môi trường sống
Na Uy đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Quốc gia Bắc Âu này không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn sở hữu những thành tựu vượt trội trong giáo dục và nghiên cứu.
Du học Iceland: Visa, Chi phí & Môi trường sống
Iceland, với vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và nền văn hóa độc đáo, không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là một lựa chọn thú vị cho các sinh viên quốc tế. Hệ thống giáo dục tiên tiến, các trường đại học danh tiếng, cùng với môi trường sống an toàn và thân thiện, Iceland đang trở thành một điểm đến du học đầy hứa hẹn.
Du học Ba Lan: Chi phí, Visa, Học bổng & Điều kiện du học
Du học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, mở ra vô vàn cơ hội và trải nghiệm mới. Ba Lan, với nền giáo dục chất lượng, chi phí sinh hoạt hợp lý, và môi trường sống an toàn, đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, trước khi quyết định đặt chân đến đất nước này, có một số điều quan trọng bạn cần nắm rõ để chuẩn bị cho mình một hành trình học tập thành công và suôn sẻ.