TOP 4 Hình thức Lừa đảo tuyển dụng sinh viên nên cảnh giác
Hành trang sinh viên
Mục lục
Lừa đảo tuyển dụng là gì?
Lừa đảo tuyển dụng là một hành vi trái đạo đức, trái pháp luật được thực hiện bởi các đối tượng xấu nhằm mục đích chuộc lợi từ những người đang đi tìm việc làm. Các đối tượng lừa đảo thường dựa trên những bài đăng với thông tin tuyển dụng nhân sự cho một công việc cụ thể.
Những công việc hay những hình thức lừa đảo tuyển dụng thường được mô tả khá hấp dẫn với nội dung thường "việc nhẹ lương cao", dễ dàng thu hút sự chú ý của người đọc.
Trong các hình thức lừa đảo tuyển dụng, các đối tượng thường sử dụng những chiêu trò tuyển dụng hết sức tinh vi mà nhiều người không kịp cảnh giác đã dễ dàng mắc phải bẫy lừa đảo.
Mục đích của việc lừa đảo tuyển dụng là tiếp cận những người nhẹ dạ cả tin và chiếm đoạt tiền hay sử dụng thông tin cho những mục đích bất hợp pháp khác. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài sản và tâm lý người bị lừa.
Dễ bắt gặp nhất là những thông tin những công việc lừa đảo trên Facebook và lừa đảo tuyển dụng qua Telegram. Kẻ xấu thường sử dụng những nền tảng trên bởi khả năng xóa dấu vết sau khi lừa rất nhanh và đơn giản.
Những hình thức lừa đảo tuyển dụng dễ gặp nhất hiện nay.
Hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo tuyển dụng đánh vào lòng tin của những ứng viên đi tìm việc làm. Sự gian dối được ẩn mình dưới nhiều loại công việc khác nhau nhưng chung quy lại đều nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nhiều nhất có thể kể đến như sau.
1. Hình thức lừa đảo tuyển dụng làm nhân viên rạp phim/siêu thị/cây xăng.
Tuyển dụng nhân viên rạp chiếu phim, nhân viên siêu thị hoặc nhân viên cây xăng là hình thức lừa đảo tuyển dụng bạn có thể bắt gặp dễ nhất hiện nay.
Những thương hiệu được những đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều nhất hiện nay như CGV tuyển dụng, Lotte Cinema tuyển dụng, Big C tuyển dụng hay COOPmart tuyển dụng, v.v. Mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo này hướng đến thường là những bạn sinh viên trẻ đang tìm kiếm việc làm part time ngoài giờ hoặc những công việc thời vụ làm trong 1 - 2 tháng nghỉ hè.
Với mô tả công việc đi lừa đảo tuyển dụng thường không khác gì những công việc part time tuyển dụng sinh viên thường thấy. Qua những nội dung cực hấp dẫn như "Không yêu cầu bằng cấp và ngoại hình" hay "Làm thời gian rảnh", "Lương 35.000 đồng/ giờ", các đối tượng lừa đảo có thể dụ dỗ được rất nhiều bạn trẻ sa vào bẫy.
Nếu để ý kỹ, bạn có thể nhận ra những bất thường ở trong bài đăng trên khi nhìn vào cách hành văn có phần thiếu chuyên nghiệp, thông tin số điện thoại lại sử dụng những ký tự đặc biệt nhằm qua mặt bộ xử lý của website.
Sau khi bạn liên hệ với những đối tượng này, rất nhanh bạn sẽ được hẹn gặp phỏng vấn và được phỏng vấn theo đúng quy trình công việc chuyên nghiệp thực thụ. Từ đây, nhiều bạn có thể nghĩ hãy cứ mang hồ sơ đến tuyển vì dù sao cũng chỉ là phỏng vấn.
Tuy nhiên sau khi đến điểm hẹn và trải qua cuộc phỏng vấn giả, bạn sẽ bị yêu cầu đóng một khoản "phí thủ tục" khoảng 500 nghìn đồng. Lý do cho khoản phí này có thể được giải thích như phí cho đồng phục, phí đào tạo, huấn luyện, v.v. và bạn sẽ được đảm bảo nhận việc sau khi đóng phí với lời hứa hẹn như "Bên mình sẽ liên lạc lại với bạn".
Tuy nhiên sau đó sẽ không có sự liên lạc nào xảy ra cả, hoặc bạn sẽ nhận được thông báo trượt phỏng vấn. Tuy nghiên, tiền đã đóng bạn sẽ không thể lấy lại do bên kia đã hoàn toàn cắt liên lạc. Việc này xảy ra không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc mà còn gây nhiều tổn thất về tinh thần, đặc biệt là đối với những bạn sinh viên sống bằng trợ cấp từ gia đình.
Chiêu trò lừa đảo tuyển dụng nhân viên bán xăng mất tiền.
2. Hình thức lừa đảo tuyển dụng viết bài/nhập liệu tại nhà.
Hình thức lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên viết bài/ nhập liệu tại nhà diễn ra rất phổ biến đặc biệt ở trên các trang mạng xã hội như Facebook hay cả những website tìm việc làm. Với sự phát triển của mạng Internet như hiện nay, việc làm tại nhà trở thành mục tiêu tìm kiếm của rất nhiều người lao động. Không những tiện lợi, những công việc làm tại nhà còn giúp bạn đỡ tốn thời gian và sức lực di chuyển.
Về mặt bản chất, những công việc làm tại nhà như cộng tác viên nhập liệu hay cộng tác viên viết bài đều là những công việc có thật và được nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển dụng. Tuy nhiên, chính vì sự yêu thích của người lao động với những công việc làm tại nhà đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của hình thức lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên làm tại nhà.
Nhìn lướt qua, những thông tin tuyển dụng làm việc viết bài/ nhập liệu theo mẫu có vẻ khá đơn giản mà thu nhập lại vô cùng cao, tới 250.000 đồng cho 1 bài ngắn 1500 từ hay 45.000 đồng cho 500 từ. Nhưng nếu bạn để ý, công việc này thường ưu tiên tuyển học sinh/sinh viên - những bạn còn đang trong độ tuổi đi học và đa phần ít cảnh giác.
Trên thực tế, sẽ chẳng có công việc viết content hay nhập liệu làm tại nhà nào hết. Sau khi bạn liên hệ, các đối tượng sẽ hướng dẫn bạn download phần mềm (thường là độc hại) hoặc hướng dẫn bạn đăng ký tài khoản qua Telegram để bắt đầu công việc. Tuy nhiên, trước khi chính thức nhận việc, bạn sẽ bị yêu cầu 1 khoản cọc từ 100.000 - 200.000 đồng để bắt đầu.
Đến bước này, nếu bạn chuyển cho chúng tiền cọc, ngay lập tức bạn sẽ bị chặn tài khoản và không thể lên lạc lại nữa. Mặc dù thông tin về hình thức lừa đảo này được phổ cập liên tục nhưng vẫn rất nhiều nạn nhân (đặc biệt là học sinh, sinh viên) không tiếp cận được sự cảnh báo và sập bẫy.
3. Hình thức lừa đảo tuyển dụng nhân viên bán hàng tại nhà.
Việc làm bán hàng làm việc tại nhà là mong muốn của rất nhiều người với mục tiêu kiếm thêm thu nhập. Có rất nhiều người vì những bài đăng tuyển dụng cộng tác viên bán hàng tại nhà "không cần vốn" mà kết quả nhận lại những khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng vì vướng phải hình thức lừa đảo tuyển dụng nguy hiểm này.
Chiêu trò của những kẻ lừa đảo như sau: Dưới công việc được mô tả với cái tên có vẻ uy tín "Cộng tác viên sàn Thương mại điện tử (Shopee hoặc Lazada)", bạn sẽ cần tải và đăng nhập theo mã được cung cấp để bắt đầu làm việc. Với lời quảng cáo “không cần mất tiền nhập hàng", tất cả những gì bạn làm khi đăng nhập vào ứng dụng đó là chọn mua những sản phẩm bất kỳ bằng tiền thật.
Tiếp đó, sau khi đơn hàng được chính bạn mua thành công, bạn sẽ nhận lại được một khoản hoa hồng tương ứng 15 - 20% giá trị đơn hàng bạn mua.
Sau khi tổng số tiền bạn mua đạt được một ngưỡng nhất định như 10 triệu hay 20 triệu thì bạn có thể rút lại cả gốc lẫn lãi từ hệ thống. Nghe công việc có vẻ vô lý nhưng lại đã có rất nhiều người vì thiếu hiểu biết đã mắc bẫy và số tiền bị mất lên tới hàng tỷ.
Lừa đảo tuyển dụng nhân viên bán hàng tại nhà mặc dù đã được cảnh báo liên tục nhưng vẫn rất ít người có thể nhận ra và vẫn phải chịu gánh nợ do vướng phải lừa đảo tuyển dụng gây ra.
4. Hình thức lừa đảo tuyển dụng hình thức đa cấp.
Hình thức lừa đảo tuyển dụng lâu đời nhất nhưng vẫn chưa thực sự được biết đến nhiều. Có thể bạn đã nghe nhiều cảnh báo về việc không tham gia các hội nhóm đa cấp tràn lan trên mạng xã hội nhưng khi gặp phải lại không nhận thức được mình đang bị lừa.
Về cơ bản, hình thức lừa đảo tuyển dụng này cao cấp hơn những hình thức còn lại. Những đối tượng lừa đảo theo dạng đa cấp thậm chí thành lập cả công ty riêng, đăng thông tin tuyển dụng với những vị trí chuyên nghiệp như "nhân viên kinh doanh" hay "nhân viên marketing"; v.v. Sau đó quy trình tuyển dụng của bạn vẫn diễn ra bình thường cho đến ngày đào tạo công việc đầu tiên.
Lúc này nhiều người mới vỡ lẽ mình đã bị lừa vào hang động của các đối tượng đa cấp. Chúng tổ chức dưới hình thức một buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm, sau đó ép bạn phải mua hàng. Nếu không mua thì bạn sẽ không được cho ra khỏi nơi đó. Hoặc không, bạn sẽ làm việc cho chúng và được dạy đi lừa đảo, dụ dỗ người dùng mua những loại mặt hàng kém chất lượng.
Nhiều người vì dồn đến đường cùng buộc phải mua để có thể thoát ra. Đây là một hình thức lừa đảo rất nhiều người đặc biệt là sinh viên đã vướng phải. Tuy nhiên rất khó để phát hiện bởi cách lừa đảo mời gọi ngày càng tinh vi.
Những ai dễ gặp phải hình thức lừa đảo tuyển dụng trên?
Bất cứ ai cũng đều có thể bắt gặp những hình thức lừa đảo tuyển dụng và mắc bẫy, nhiều nhất có thể kể đến những nhóm đối tượng như:
1. Học sinh/Sinh viên: Học sinh và sinh viên thường là những đối tượng dễ dính phải lừa đảo tuyển dụng. Những kẻ xấu thường lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về quy trình tuyển dụng của những bạn học sinh, sinh viên để bị giả mạo thông tin tuyển dụng và sau cùng là yêu cầu trả những khoản phí vô lý và chuộc lợi.
2. Mới tốt nghiệp: Những sinh viên mới tốt nghiệp đại học cũng nằm trong nhóm dễ bị kẻ xấu lợi dụng bằng hình thức lừa đảo tuyển dụng. Với sự háo hức và mong muốn tìm được công việc ngay sau khi tốt nghiệp, họ có thể trở nên mất cảnh giác và dễ tin vào các cơ hội việc làm không đáng tin cậy. Đôi khi, do phải chịu áp lực đồng trang lứa mà nhiều bạn sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đã ráo riết tìm kiếm công việc lương cao và rồi bị lừa.
3. Nội trợ: Những người nội trợ ở nhà sau khi rời xa thị trường lao động trong một thời gian dài, có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động lừa đảo tuyển dụng. Với nhu cầu tìm việc để kiếm thêm thu nhập hoặc tái nhập cuộc sống công việc, họ chưa được cảnh báo nhiều về những hình thức lừa đảo tuyển dụng dễ dàng rơi vào bẫy của các công việc không đáng tin cậy hoặc giao dịch tiền không rõ ràng. Họ muốn tìm việc làm tại nhà tuy nhiên lại chưa tìm được nguồn uy tín và dễ gặp phải những công việc lừa đảo.
4. Người muốn kiếm tiền nhanh: Những người đang có nhu cầu kiếm tiền nhanh, những người đang nợ nần đều là những người rất dễ bị lừa bởi những kẻ lừa đảo tueyern dụng. Điểm chung của những công việc lừa đảo là thu nhập quá cao so với mức bình thường. Các hình thức lừa đảo như công việc "làm việc từ xa" không rõ ràng hoặc các lời mời tham gia các chương trình kiếm tiền dễ dàng có thể dẫn đến việc mất tiền hoặc bị lộ thông tin cá nhân cho kẻ xấu.
Cách tìm việc không bị lừa đảo.
Tìm việc không khó, nhưng tìm việc uy tín và chất lượng thì lại khó trong thời đại "1 mét vuông 5 kẻ lừa đảo tuyển dụng" như hiện nay.Với sự lộng hành từ những đối tượng lừa đảo như hiện nay, nhiều người cảm thấy khó khăn trong hành trình tìm kiếm việc làm uy tín. Hãy chú ý các dấu hiệu và học cách phòng tránh lừa đảo tuyển dụng. Những điều mà bạn có thể áp dụng để bảo vệ bản thân như.
1. Sử dụng các kênh tìm việc uy tín.
Để tránh bị lừa đảo trong quá trình tìm kiếm việc làm, quan trọng hơn bao giờ hết là chọn sử dụng các kênh tìm việc uy tín và đáng tin cậy. Chắc chắn nhất, bạn hãy tham khảo những trang web tuyển dụng uy tín hoặc tham khảo trực tiếp tại website các công ty mà bạn muốn làm việc.
Các công ty hay doanh nghiệp lớn thường đều có mục đăng tin tuyển dụng của riêng mình ví dụ như Shopee Job hay Unilerver Career. Việc tìm kiếm trực tiếp tại web tuyển dụng sẽ giúp bạn tiếp cận trực tiếp công việc uy tín để ứng tuyển.
Đặc biệt hãy cẩn trọng với những công việc lừa đảo trên facebook, nắm rõ những dấu hiệu lừa đảo tuyển dụng rồi hãy bắt đầu gửi hồ sơ xin việc nhé.
2. Xác định rõ công ty tuyển dụng.
Với những bài đăng không xác định rõ danh tính công ty hoặc không có mô tả công việc rõ ràng, bạn tốt nhất nên tránh xa bởi đó là dấu hiệu của lmột hình thức lừa đảo tuyển dụng. Hãy chọn những công ty có tên gọi rõ ràng và công khai.
Tiếp đó, hãy tìm kiếm công ty đó trên Google, đặc biệt lưu ý các thông tin liên quan như website, mã số thuế, địa chỉ, v.v. Với những công ty không tồn tại bất cứ thông tin nào khi tra cứu, tốt nhất bạn không nên apply hồ sơ để tránh mắc bẫy lừa đảo.
3. Cảnh giác với lời tuyển dụng "việc nhẹ lương cao".
Trong cuộc sống ngày nay, có rất ít công việc mà bạn có thể làm rất ít và có được một khoản thu nhập hấp dẫn. Nếu một công việc có vẻ rất tuyệt và quy trình tuyển dụng lại đơn giản, hãy tự đặt câu hỏi liệu đây có phải một hình thức lừa đảo tuyển dụng và đặc biệt kiểm tra kỹ thông tin.
Các lời mời tham gia các chương trình kiếm tiền nhanh hoặc công việc "làm việc từ xa" hay "làm tại nhà" có thể là dấu hiệu của các hoạt động lừa đảo tuyển dụng mà tốt nhất bạn không nên ứng tuyển.
4. Nói không với giao dịch tiền.
Cuối cùng, luôn lưu ý rằng không bao giờ nên đồng ý tham gia vào bất kỳ giao dịch tiền nào trong quá trình tìm việc. Nếu bạn gặp phải yêu cầu chi trả phí không hợp lý hoặc thông tin cá nhân quá nhạy cảm, hãy cảnh giác và từ chối một cách thích hợp. Mọi yêu cầu giao dịch tiền trước khi gặp mặt trực tiếp đều là những hình thức lừa đảo tuyển dụng.
Lời kết.
Những chiêu trò lừa đảo tuyển dụng trên mạng đều rất tinh vi và bạn vẫn có thể mắc bẫy nếu không đề cao cảnh giác trong quá trình tìm việc. Tốt nhất bạn đừng nên chủ quan khi đưa ra quyết định liên quan đến việc cung cấp thông tin cá nhân hay thanh toán phí cho bất kỳ một đơn vị tuyển dụng nào vì đó chính là dấu hiệu của một hình thức lừa đảo tuyển dụng.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tính xác thực của một công việc hay một người tuyển dụng, hãy tiến hành thêm nghiên cứu và tìm hiểu trước khi tiếp tục. Chúc bạn sớm tìm được một công việc tốt và uy tín!